Tour tham quan Tp.Hồ Chí Minh

In
Xem kết quả: / 2
Bình thườngTuyệt vời 

Tour tham quan Tp.Hồ Chí Minh

(Tour 1 ngày - Khởi hành HÀNG NGÀY)
Thành phố hồ chí minh một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh những tòa nhà cao tầng hiện đại, thành phố còn có những khu di tích mang những kiến trúc cổ kính lâu đời.

Lịch trình

Sáng: Quý khách khởi hành từ văn phòng Sinh đến tham quan tại chùa Giác Lâm, một ngôi chùa cổ nhất thành phố toạ lạc trên đường Lạc Long Quân thuộc quận 11. Kế tiếp, quý khách sẽ lần lượt tới những khu vực Chợ Lớn_ Chợ Bình Tây_ trung tâm trao đổi mua bán của cộng đồng người Việt và người Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây còn bảo tồn nguyên vẹn giá trị kiến trúc của người Hoa từ hàng trăm năm trước.

Cũng trong buổi sáng, quý khách sẽ đến thăm đền Thiên Hậu, tham quan dọc sông Sài Gòn để thấy hết toàn cảnh thành phố và dừng lại thăm di tích Cảng Nhà Rồng, nơi cách đây gần 1 thế kỷ, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước.
Chiều: Tiếp tục chuyến tham quan, quý khách sẽ ghé thăm dinh thống nhất, nơi trước đây là tổng hành dinh của Mỹ đặt tại miền Nam Việt Nam. Bên cạnh đó, quý khách sẽ được chiêm ngưỡng nhà thờ Đức Bà và bưu điện thành phố, cả hai đều là những công trình kiến trúc độc đáo theo lối Gothic cổ. Quý khách còn được đến thăm đền Ngọc Hoàng vàUỷ Ban Nhân Dân Thành Phố nằm ngay trung tâm quận 1.

Cuối cùng, quý khách sẽ tham quan bảo tàng chiến tranh, nơi lưu trữ những tài liệu và hình ảnh quý giá về những cuộc chiến tranh của Việt Nam.

5:00 chiều, Qúy khách kết thúc chuyến tham quan tại văn phòng Sinh. Chia tay qúy khách và hẹn gặp lại



Giá vé : 300.000 VND/ khách

Bao gồm: Xe máy lạnh: Xe 30 chỗ hoặc xe 45 chỗ, hướng dẫn viên trong tour

Không bao gồm: Phí thăm quan và ăn uống


 

 

Chợ Bến Thành


Nằm ở trung tâm thành phố, chợ Bến Thành rất đỗi quen thuộc với người dân Việt và du khách quốc tế khi đến tham quan du lịch thành phố Hồ Chí Minh.

Đầu thế kỷ 17, khi người Việt đến lập cư ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thì vùng đất Sài Gòn xưa trở thành nơi phố chợ đông đúc náo nhiệt nhất vùng nam Kỳ lục tỉnh. Năm 1859, có một chợ nhỏ nằm ở khu đất đồng lầy kề bên bờ sông Bến Nghé và sát thành Sài Gòn.

Chợ Bến Thành được mô tả trong sử cũ như sau: Đó là một "phố chợ nhà cửa trù mật ở dọc theo bến sông. Chổ đầu bến này có lệ đến đầu mùa xuân gặp ngày tế mạ, có thao diễn thủy binh, nơi bến có đò ngang chở khách buôn ngoài biển lên. Đầu phố phía Bắc là ngòi Sa ngư, có gác cầu ván ngang qua, hai bên nách cầu có dãy phố ngói, tụ tập trăm thứ hàng hóa, dọc bến sông ghe buôn lớn nhỏ đến đậu nối liền". Thời ấy, đất Gia Định là một vùng nông nghiệp trù phú nên chợ Bến Thành đầy hàng hóa, nào gạo, cá khô, tôm khô, cau, đường... bán ra để mua tơ lụa, quả thô, nhang, quạt, trà, đồ sành sứ, thuốc uống, dược thảo... từ nước ngoài mang đến. Sở dĩ có tên là Chợ Bến Thành là vì chợ gần bến sông và gần thành Qui. Đây chính là khu vực mà nay dành cho thương cảng Sài Gòn. Sau cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi (1833-1835) phố chợ Bến Thành không còn sầm uất như trước. Chợ được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh.

Sau khi đánh chiếm Gia Định, thực dân Pháp đã cho lập một nhà lồng làm chợ ở ngay trên nền đất mà nay là trường Trung học Ngân Hàng 3. Ngôi chợ này bị cháy năm 1870, nhưng đã được trùng tu với sườn sắt. Trước nhà lồng chợ có con kinh rộng chạy đến trước cửa tòa nhà nay là trụ sở của Ủy ban Nhân dân thành phố. Đến năm 1887-1888 thì con kinh này được lấp lại, làm cho khu vực Võ Di Nguy, Tôn Thất Thiệp trở nên náo nhiệt hơn. Đại lộ Nguyễn Huệ trước kia là đường kinh lấp. Ngôi chợ Bến Thành được chuyển đến vị trí ngày nay. Nhà lồng chợ được khởi công xây cất trên vùng đất trước đó là một ao sình lầy gọi là ao Boresse. Thế là chợ Bến Thành xưa trở thành Chợ Cũ, còn Chợ Bến Thành mới được gọi là Chợ Mới Sài Gòn. Ngôi chợ này được khởi công xây cất từ khoảng năm 1912 và khánh thành vào tháng 3 năm 1914. Ngày khánh thành có khoảng 100.000 người tham dự, có cả dân từ các tỉnh đổ về. Cuộc lễ diễn ra trong ba ngày 28, 29 và 30 tháng 3 năm 1914 với pháo bông, xe hoa. Hai con đường bên hông chợ mãi đến năm 1940 còn là bến xe đò miền Đông và miền Tây. Gần một trăm năm qua, chợ Bến Thành bao giờ cũng là một trung tâm thương mại, trung tâm phồn hoa náo nhiệt của thành phố Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ cũ. Dần dần nó trở thành một chợ lớn, nơi tập trung những mặt hàng quí hiếm của trong nước và nước ngoài.

Sau ngày giải phóng, năm 1975, chợ Bến thành được sắp xếp và cải tạo lại một cách gọn gàng và ngăn nắp hơn. Trong chợ Bến Thành ngày nay chúng ta có thể tìm thấy đủ loại hàng hóa, từ thực phẩm vật dụng hàng ngày, hàng nhập cảng cũng như hàng nội hóa, từ những mặt hàng thông thường đến những hàng xa xỉ phẩm.

Năm 1985, Ủy ban Nhân dân thành phố và Quận 1 đã cho chỉnh trang và sửa chữa lớn chợ Bến Thành. Nhà lồng chợ và các gian hàng, sạp hàng được sữa chữa và làm mới, duy chỉ có dáng vẻ phía trước với tháp đồng hồ được giữ lại như xưa. Chợ Bến Thành ngày nay có khoảng 3.000 hộ kinh doanh. Hình ảnh chợ Bến Thành thường được dùng làm biểu tượng cho thành phố.

Chợ Bến Thành ngày nay lại được đầu tư nâng cấp to đẹp lên rất nhiều so với trước, để nó xứng đáng là một trung tâm buôn bán lớn ở phía nam đất nước. Hàng hoá chợ Bến Thành rất phong phú, bao gồm hầu hết các sản vật trong nước – đặc biệt là sản vật ở vùng đồng bằng sông Cửu Long – cùng các mặt hàng công nghệ hiện đại trên thế giới.


 

Chợ Lớn - Sài Gòn

Chợ Lớn, khi nghe đến cái tên này mỗi người đều có những cảm nhận khác nhau. Sẽ có thể là hình ảnh của các xưởng sản xuất thủ công nghiệp nhộn nhịp nhất thành phố, hay là nơi san sát các hàng quán, tiệm ăn mang phong vị Trung Hoa... Đúng vậy, hầu như ở khắp mọi nơi, khi nhắc đến Chợ Lớn là người ta nghĩ ngay đến một Chợ Lớn - phố Tàu (China Town) trong lòng thành phố Hồ Chí Minh. Chợ Lớn đã trở thành một địa danh nổi tiếng không thể thiếu trong các chương trình du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh.

Chợ Lớn là cả một khu vực rất rộng, trong đó có cả khu China Town, bao gồm quận 5, quận 10, một phần quận 11 và quận 6. Là nơi tập trung nhiều người Hoa nhất, họ sinh sống chủ yếu ở quận 5 - nơi còn bảo tồn nguyên vẹn các giá trị văn hóa, kiến trúc và tôn giáo của hàng trăm năm trước. Nếu như những giá trị văn hóa, lịch sử cùng thời gian ít nhiều cũng bị mai một, thế nhưng với nơi đây dường như sức phá hủy của thời gian chậm lại rất nhiều. Trên những mái nhà lợp ngói ống ở dãy phố Hoa kiều, bụi thời gian nhuốm chút màu nâu xám rất đẹp, vẻ đẹp ấy cùng với kiến trúc đặc trưng nơi đây phảng phất một nét đẹp rất cổ điển. Khách viếng thăm mỗi khi ghé qua đều giật mình tự hỏi, liệu đây có phải là quang cảnh của những năm cuối thế kỷ 20 hay không? hoặc cảm giác như mình đang hiện diện trong khu phố cổ nào đó của người Hoa vào những thế kỷ trước?

Ban ngày Chợ Lớn ồn ào náo nhiệt người mua kẻ bán tấp nập. Không có một món hàng nào mà Chợ Lớn không có. Chợ Lớn còn độc đáo ở chỗ ngoài việc tham quan, mua sắm, khách du lịch còn được tận mắt chứng kiến một cuộc sống sôi động của những người Hoa di cư đến từ hàng thập kỷ nay, và cả những người được sinh ra và lớn lên ngay trên mảnh đất này. Với người Sài Gòn - Gia Định cũ, mỗi khi rủ nhau lên khu người Hoa họ vẫn nói: Lên Chợ Lớn, song điều đó không có nghĩa là phải ghé thăm chợ mà có thể là ghé thăm bất cứ một tiệm ăn nào quanh các con đường Châu Văn Liêm, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi. Vào những tiệm ăn có bảng hiệu ghi hai thứ tiếng và đặc biệt là chủ nhà vừa có thể đối đáp với thực khách bằng tiếng Việt, vừa tíu tít gọi người nhà bằng tiếng Hoa, nghe sao rất lạ. Một người đàn ông bụng to, khuôn mặt hớn hở với chiếc khăn mặt vắt vai - đó là khuôn mẫu của những ông chủ quán ăn Tàu. Nhưng đó chưa phải là tất cả những gì mà Chợ Lớn đem tới cho bạn...

Cái "chất Chợ Lớn" đã bộc lộ một cách rõ nét khi thành phố lên đèn. 90% nhà phố trên đoạn đường Trần Hưng Đạo B đã mở hết cửa bán buôn, kinh doanh, dịch vụ. Người qua lại dập dìu đến chốn phồn hoa. Từ xa đã thấy hàng loạt bảng hiệu được thiết kế với ánh đèn điện tử màu, chớp sáng theo đủ mọi dáng, mọi kiểu. Từ những năm xa xưa người dân miền Nam đã có câu: "Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây" hoặc dân Sài Gòn thường kháo nhau: "Ăn quận 5, nằm quận 3"... Thật vậy không gì để nói lên cái đặc trưng của các món ăn do người Hoa nấu đầy chất bổ dưỡng béo ngậy. Thức ăn trong các nhà hàng phải đa dạng và tên gọi phải cầu kỳ. Tại các nhà hàng, hàng chục món ăn được thực khách gọi luôn một lúc, ăn chưa hết món trước đã vội kêu món sau.

Một Chợ Lớn về đêm hào nhoáng kỳ lạ khó quên. Các tiệm ăn, nhà hàng nơi đây nổi tiếng đến mức có một câu nói mà ai ai cũng biết "Ăn quận 5, nằm quận 3", phần nào phản ánh được nét sành điệu trong lối sống của người Sài Gòn xưa.


 

Hội trường Thống Nhất


Vị trí: 106 Nguyễn Du, quận 1,Tp. Hồ Chí Minh.
Ðặc điểm: Trước đây vào năm 1873 trên nền đất này là một toà biệt thự tên gọi là dinh Nôrôđôm- dinh của toàn quyền Ðông Dương ở Sài Gòn.

Năm 1954 Tổng thống nguỵ quyền Ngô Ðình Diệm và đại gia đình họ Ngô đã ở và làm việc ngay trong dinh Nôrôđôm. Ðến 27/2/1962 dinh Nôrôđôm bị máy bay ném bom hư hỏng nặng. Diệm đã cho phá huỷ toàn bộ dinh Nôrôđôm, xây dựng một dinh mới hoàn toàn gọi là dinh Ðộc Lập.

Dinh có diện tích sử dụng 4500m2 trên khuôn viên đất rộng 120.000m2 gồm 1 tầng hầm, 3 tầng chính, 2 tầng lửng, 1 sân thượng và lầu nghỉ mát gọi là lầu Tứ Phương. Dinh có 100 phòng, mỗi phòng có cách bài trí riêng theo nội dung từng phòng. Phòng khánh tiết có sức chứa 800 người... Dinh còn có 2 nhà triển lãm với tổng diện tích 2.000 m2, một khu nhà khách 33 phòng , nhà phát điện dự phòng công suất 350 KVA và nhiều điểm dịch vụ vui chơi giải trí khác như sân tennis, khu nhà sàn Tây Nguyên...

11h30' ngày 30/4/1975 xe tăng quân giải phóng đã tiến thẳng vào dinh Ðộc Lập, chính phủ Ngụy gồm 45 người cùng tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện.

Sau ngày giải phóng, dinh Ðộc Lập là trụ sở của Uỷ ban quân quản thành phố. Hội nghị hiệp thương thống nhất đất nước đã họp ở đây vào tháng 12/1975 và dinh Ðộc Lập đã được đổi tên thành Hội trường Thống Nhất. Ngày nay, hội trường Thống Nhất đã trở thành khu di tích lịch sử văn hoá được đông đảo khách trong nước và nước ngoài đến tham quan


 

Chùa Giác Lâm

Vị trí: 118 Lạc Long Quân, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.
Ðặc điểm: Là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất thành phố, chùa còn có tên là Cẩm Sơn hoặc Cẩm Điện.
Chùa được xây vào năm 1744. Phong cảnh nơi này đẹp như tranh với những vườn hoa và những cây cao. Nhiều người đến đây để sáng tác và ngâm thơ. Chùa đã được trùng tu nhiều lần: vào năm 1804 và 1909. Trên cổng có ba chữ Giác Lâm Tự viết bằng chữ Hán. Chùa còn được goi là đình Giác Lâm vì có nhiều am với những người trụ trì thuộc dòng họ Lâm Tế, con cháu của những người truyền và phát triển đạo Phật ở Trung Quốc.

Chùa Giác Lâm được xây dựng trên một diện tích rộng. Kiến trúc của chùa khá đặc sắc, đặc biệt là những cột chùa to lớn, màu nâu đậm, trên đó chạm những câu đối mạ vàng (có 143 cặp câu đối). Bao lam của chùa chạm các loại hoa mai, hoa cúc và chín con rồng. Chính điện thờ Phật Di Đà, dưới thờ Phật Thích Ca, Di Lặc, hai bên thờ Quan Thế Âm và Thế Thập Bát La Hán, Thập điện Diêm Vương, Tổ Sư Đạt Ma và tượng Long Vương. Có 113 pho tượng Phật bằng đồng và gỗ quý, đặt thờ tại đây được khoảng 200 năm. Kiến trúc của chùa mang đậm nét phương Đông, nghiêm trang, nhẹ nhàng, mỹ thuật. Đặc biệt tượng Phật Địa Tạng của chùa đẹp có tiếng. Chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia.

Một vài hình ảnh trong tour