Tìm hiểu về lễ hội Hoa Ban ở Điện Biên

Print
User Rating: / 0
PoorBest 
There are no translations available.

Ở Điện Biên có nhiều lễ hội, nổi bật nhất là lễ hội hoa ban và lễ hội thành Bản Phủ. Lễ hội hoa ban Điện Biên thường diễn ra vào giữa tháng 3 hàng năm nhằm giới thiệu, bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hoá dân tộc ở Điện Biên. Lễ khai mạc thường được tổ chức ở quảng trường 7 – 5, với kết thúc là một màn biểu diễn pháo hoa tầm thấp, được Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh; Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh – Truyền hình Điện Biên truyền hình trực tiếp. Các chương trình, hoạt động của lễ hội gồm có: cuộc thi Người đẹp hoa ban, diễu hành đường phố Đêm hội hoa ban, chương trình nghệ thuật Về miền hoa ban, thưởng thức ẩm thực Hương sắc Điện Biên, các cuộc thi đấu thể thao và trò chơi dân gian, các triển lãm tranh, trình diễn trang phục dân tộc, thăm quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ…

Lễ hội hoa ban

Lễ hội hoa Ban hay còn gọi là lễ hội Xên Mường được người Thái ở Tây Bắc tổ chức vào dịp tháng 2 âm lịch, khi hoa ban bắt đầu nở trắng cả núi rừng Tây Bắc. Lễ hội thể hiện tấm lòng tôn kính tri ân của nhân dân tưởng nhớ công lao to lớn của các vị nhân thần tiền bối và cầu cho quốc thái, dân an, bản mường no ấm, quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc…

Lễ hội Hoa Ban thể hiện nét văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái với tâm nguyện thỉnh bái “Then” – vị thần tối cao trong hàng ngũ thánh thần theo quan niệm của người Thái; thỉnh bái “nàng Ban” – một nữ nhân vật huyền thoại biểu thị cho sự trinh trắng của người thiếu nữ Thái và tình yêu đôi lứa thuỷ chung; thỉnh bái ma trời, ma mường, ma núi, ma sông… phù hộ cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, vạn vật đơm hoa, kết trái, cho lứa đôi hạnh phúc và phù hộ cho cuộc sống của dân bản luôn đầm ấm, yên vui.

Sự tích Lễ hội Hoa Ban

“Đôi ta yêu nhau không tính mùa ban nở

Không thấy ngày ban tàn

Không tính tháng, không tính năm

Mãi mãi như mùa hoa đầu đôi ta yêu nhau”

Hoa Ban được lấy làm biểu tượng cho tấm lòng thuỷ chung trong tình yêu đôi lứa (nhiều người gọi hoa Ban là“Hoa Tình yêu”). Và loài hoa này gắn với một câu chuyện tình xúc động.

” Ngày xửa ngày xưa, ở mường nọ có một chú bé tên là Khum. Chàng Khum càng lớn càng làm nương giỏi, săn bắn lại rất tài. Cùng bản có cô gái tên là Ban đẹp người đẹp nết, múa dẻo, hát hay. Khum và Ban yêu nhau tha thiết, hẹn ngày kia nên vợ nên chồng. Nhưng trong vùng có tên chúa đất gian tham, thấy Ban xinh đẹp nó liền cho người bắt Ban về làm vợ, trong khi Khum đang đi làm ăn ở nơi xa. Ban bỏ nhà, bỏ bản quyết chí ra đi tìm Khum. Nàng vào rừng, đi mãi, gọi mãi mà chẳng thấy Khum đâu. Một chiều nọ, leo tới đỉnh núi thứ một nghìn thì Ban gục xuống trong đói khát, mệt mỏi và tuyệt vọng. Từ chỗ Ban nằm, bất ngờ mọc lên một loài cây với những cái lá trông như hình hai trái tim lồng lên nhau. Chỉ mấy hôm sau, cây trổ những cái nụ trắng hồng như ngón tay trinh nữ, những cái nụ lại nở ra những đoá hoa có nhị mang màu tím thuỷ chung, còn cánh thì trắng như màu ly biệt – đó là cây Ban… Ngày Khum trở về không thấy Ban, chàng đi tìm qua muôn ngọn núi, qua vạn ngả đèo. Cuối cùng Khum kiệt sức ngã xuống, biến thành con chim mà nay người ta gọi là chim Khum. Loài chim Khum sống lẻ loi trong rừng, không có bầy đàn, không có tổ, suốt ngày bay vô định như kiếm tìm gì đó giữa hoang dã điệp trùng. Quanh năm chim Khum im lặng, chỉ khi mùa xuân về, hoa Ban nở thì chim mới hót. Tiếng hót chim Khum nghe như tiếng kêu khắc khoải lạc bầy, khi hoa Ban tàn thì chim Khum cũng thôi không hót. Có lẽ nó lại dành thời gian vào việc kiếm tìm trong tuyệt vọng, khổ đau…?”

Cây Ban thân mộc, không mọc thẳng mà khẳng khiu uốn khúc, chia cành phân nhánh như có bàn tay tạo dáng của đấng hoá công. Về mùa đông cây Ban tự mình trút lá, dồn nhựa vào thân, đợi sang xuân ấm áp đâm chồi nảy lộc. Lá Ban mọc cách, không xếp thành tán và không rậm rạp như các loài cây khác; lá hình móng bò, rất giống hai trái tim đặt cạnh nhau. Sức sống của cây Ban thật mãnh liệt, dù trên đồi cỏ gianh khô cằn hay bám vào vách đá cheo leo, cứ qua mùa đốt nương là cây Ban trỗi dậy trong sự trường sinh bất tử. Ban có hai loài, hoa đỏ và hoa trắng, loài hoa trắng chiếm đa số. Hoa Ban cùng họ với hoa bướm, không có hương nhưng có vị, mỗi hoa gồm từ 4 – 5 cánh, nhị màu hồng, gân màu tím. Nhị hoa Ban mang vị ngọt, tên gọi hoa Ban theo tiếng dân tộc Thái, có nghĩa hoa Ngọt. Bởi những gì ngọt lành nhất, trong trẻo nhất nơi núi rừng Tây Bắc đã trọn vẹn trong những cánh hoa mỏng manh

Phần Lễ của Lễ hội Hoa Ban

Họ mang lễ vật lên hang Thẩm Lé cúng. Lễ gồm một con lợn, mấy cành ban, hoa ban, chai rượu, hai bát gạo, hai bát cơm, vài nén hương cùng với trầu cau. Thầy mo làm lễ cúng thần hang, thần rừng, cầu cho dân chúng có suộc sống ấm no, sung túc.

Phần Hội của Lễ hội Hoa Ban


Thanh niên trai gái bắt đầu vui hội hái hoa, sôi nổi với những trò diễn độc đáo. Âm vang nhộn nhịp của tiếng , tiếng khèn, tiếng trống chiêng. Con trai thổi khèn, con gái dập dìu múa điệu Thẩm Lé, điệu múa dành riêng cho việc đi hái hoa ban. Các chàng trai thi nhau trèo lên các cây ban hái hoa. Một cây có khi 5, 6 người trèo lên. Ở bên dưới, các cô gái lấy cái ớp (gần giống cái giỏ) đón những bông hoa thả xuống. Anh chàng nào có ý với cô gái nào thì thả vào chỗ cô đó. Các cô cũng vậy, ưng anh nào thì cố mà đón lấy hoa của anh đó.