Tưng bừng du lịch lễ hội năm 2012

Drucken
Benutzerbewertung: / 1
SchwachPerfekt 
There are no translations available.

Tưng bừng du lịch lễ hội năm 2012

Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 sắp đến. Sắc Xuân đã bắt đầu tràn ngập khắp nơi trên đất nước hình chữ S. Trong những ngày vui xuân, đón Tết này, phong tục đi lễ đầu năm để cầu mong những điều tốt lành cho gia đình và người thân đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam. Nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong những ngày đầu năm mới,

Lễ hội chùa Hương


Khai hội từ mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng Ba âm lịch, lễ hội chùa Hương là lễ hội lớn nhất và diễn ra dài nhất trong năm, được tổ chức tại khu danh thắng Hương Sơn, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Khu danh thắng có diện tích khoảng 6km², bao gồm quần thể các đền, chùa, hang động như đền Trình, đền Cửa Võng, chùa Thiên Trù, chùa Giải Oan, động Hương Tích… Khi đến khu danh thắng, du khách sẽ đi thuyền, bắt đầu hành trình từ bến Đục ở suối Yến. Con suối như một dải lụa nằm uốn mình dưới chân những ngọn núi với những mái chùa ẩn hiện xa xa, đưa du khách đến với chốn bồng lai tiên cảnh. Ở đây, mỗi ngọn núi đều có hình dáng riêng, tên gọi riêng, nối tiếp trùng trùng điệp điệp. Đi hội chùa Hương, du khách còn có dịp ngắm những cánh rừng mơ quả đã ửng vàng, tỏa hương thơm dịu nhẹ. Mơ chùa Hương là đặc sản nổi tiếng, không phải nhờ vị ngọt đậm đà, trái to mà bởi hương thơm dịu nhẹ, quả chắc, mọng nước mà không ở đâu có được. Đến bến Trò, du khách sẽ leo núi lên động Hương Tích – trung tâm của Khu danh thắng Hương Sơn, nơi được mệnh danh là Nam Thiên Đệ Nhất Động. Trong động Hương Tích có nhiều tượng Phật lớn, nhỏ nhưng đẹp nhất, bề thế nhất là bức tượng Bồ Tát Quán Thế Âm nghìn mắt nghìn tay - chỗ dựa tinh thần của người dân để cầu bình an và mọi điều tốt lành. Sau khi xuống thăm chùa Thiên Trù bằng cáp treo, du khách lên thuyền quay lại bến Đục. Tour lễ hội chùa Hương (1 ngày) có giá 450.000 đồng/khách (áp dụng cho đoàn 20 khách trở lên).

Lễ hội chùa Bái Đính


Cũng khai hội vào mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng Ba âm lịch tại quần thể chùa Bái Đính, thôn Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, lễ hội chùa Bái Đính là lễ hội khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư. Quần thể chùa Bái Đính có diện tích 539ha, bao gồm những công trình lớn, lập nhiều kỷ lục Phật giáo Việt Nam ở khu chùa Bái Đính mới và điện thờ cổ kính ở khu chùa Bái Đính cũ. Khu chùa Bái Đính mới có diện tích 80ha với 5 hạng mục được xây dựng từ thấp lên cao theo đường chính đạo là Tam quan nội, tháp chuông, điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, điện thờ Pháp Chủ và điện Tam Thế. Khu chùa Bái Đính cổ nằm trên núi Bái Đính, ở độ cao gần 200m so với mặt nước biển, cách điện Tam Thế của khu chùa Bái Đính mới khoảng 800m. Chùa nằm ở vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian Việt Nam, đó là đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần. Hiện nay, chùa Bái Đính đang giữ 6 kỷ lục được công nhận, bao gồm: tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, chuông đồng lớn nhất Đông Nam Á, chùa rộng nhất Việt Nam, chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam, chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam và chùa có nhiều cây bồ đề nhất Việt Nam. Sau khi thăm quần thể chùa Bái Đính, du khách sẽ tiếp tục hành trình đến đền vua Đinh, vua Lê nằm trong khu di tích cố đô Hoa Lư. Đây là một quần thể di tích gắn liền với ba triều đại trong lịch sử phong kiến Việt Nam là triều Đinh, Tiền Lê và Lý. Tour du xuân Bái Đính – đền vua Đinh – đền vua Lê (1 ngày) có giá 320.000 đồng/khách (áp dụng cho đoàn 20 khách trở lên).

Lễ hội Yên Tử


Một lễ hội lớn khác mà du khách không thể bỏ qua mỗi khi Tết đến, xuân về là lễ hội Yên Tử kéo dài từ ngày mùng 10 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch tại Khu danh thắng Yên Tử, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Khu danh thắng Yên Tử với 11 chùa và hàng trăm am, tháp lớn nhỏ, trong đó chùa Đồng nằm ở vị trí cao nhất và linh thiêng nhất của núi Yên Tử (1.068m so với mặt nước biển) là trung tâm Phật giáo của nước Ðại Việt, nơi phát tích của thiền phái Trúc Lâm – môn phái gắn liền với Đệ Nhất Tổ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Trong dòng người thập phương đổ về Yên Tử, có người hành hương tìm đến cõi Phật để thể hiện đức tin, cầu lộc, cầu tài; có người đến Yên Tử vì ngưỡng mộ trí tuệ và đức độ thanh cao của các bậc cha ông; có người muốn du xuân, vãn cảnh, thưởng ngoạn không khí trong lành; người lại muốn khám phá, chinh phục hay đắm mình trong những giá trị nhân văn, tinh hoa của dân tộc… Sau khi thăm chùa Hoa Yên, nơi lưu giữ nhiều tuợng, bia, tháp cổ và các di vật quý giá, du khách tiếp tục hành hương lên chùa Đồng thắp nén nhang cầu phúc. Chùa được làm hoàn toàn bằng đồng, có trọng lượng 70 tấn, dài 4,6m; rộng 3,6m; cao 3,35m; thờ Phật Thích Ca Mâu Ni và Tam Tổ Trúc Lâm Yên Tử. Khi trời quang mây tạnh, từ đỉnh Yên Tử – nơi giao hòa giữa trời, đất và người, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn khắp vùng Ðông Bắc Tổ quốc. Trên đường quay trở về, du khách ghé thăm chùa Bảo Sái và chùa Một Mái. Tour lễ hội Yên Tử (1 ngày) có giá 315.000 đồng/khách (áp dụng cho đoàn 10 – 14 khách).

Lễ hội đền Trần


Lễ khai ấn đền Trần được tổ chức trong hai ngày 14 và 15 tháng Giêng tại khu di tích đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định là lễ hội thu hút một lượng lớn rất đông du khách tham gia mỗi năm. Được xây dựng trên nền phủ Thiên Trường xưa - nơi phát tích của vương triều nhà Trần và được coi là kinh đô thứ hai của nước Đại Việt sau kinh thành Thăng Long, khu di tích đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là: đền Thiên Trường (hay đền Thượng) thờ 14 vị vua Trần, đền Cố Trạch (hay đền Hạ) thờ Trần Hưng Đạo và đền Trùng Hoa thờ 14 vị vua Trần cùng các quan văn, võ. Lễ khai ấn được Vua Trần Thái Tông tổ chức lần đầu tiên vào ngày 14 tháng Giêng năm 1258 để thưởng công, phong tước cho các quan, quân có công trong việc đánh giặc Nguyên Mông. Kể từ đó, lễ khai ấn được duy trì để tưởng nhớ công đức của các vua Trần đồng thời giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc. Với tour du xuân đền Trần (1 ngày), ngoài việc đến khu di tích đền Trần để tế lễ, xin lá ấn với mong muốn một năm mới thành đạt và phát tài, du khách còn được tham quan Phủ Dầy, chùa Phổ Minh và chùa Cổ Lễ. Tour có giá 320.000 đồng/khách (áp dụng cho đoàn 20 khách trở lên).

Ngoài các tour du lịch lễ hội trên, Công ty Du lịch và Dịch vụ Trái tim Việt còn tổ chức các tour Yên Tử - Hạ Long – Cửa Ông (2 ngày), bà Chúa Kho – chùa Dâu – chùa Bút Tháp (1 ngày), đền Hùng (1 ngày), đền Gióng – Việt phủ Thành Chương – đền Sóc (1 ngày), chùa Tây Thiên (1 ngày), đền ông Mười – đền Con Cuông – đền Bà Triệu – đền Sòng (2 ngày), chùa Thầy – chùa Tây Phương – chùa Mía (1 ngày)…

Thúy Hằng (Trung tâm Thông tin du lịch)