Hà Nội: Kháng chiến chống Pháp (1947 - 1954)

In
Xem kết quả: / 6
Bình thườngTuyệt vời 

Hà Nội: Kháng chiến chống Pháp (1947 - 1954)

Biết rõ âm mưu Chính phủ Pháp vẫn có dã tâm đô hộ Việt Nam. Đảng và Chính phủ ta đã có những chủ trương và biện pháp chuẩn bị kháng chiến. Hà Nội được giao nhiệm vụ là khi chiến tranh bùng nổ phải nhanh chóng giành thế chủ động, chiến đấu giam chân địch một thời gian để hậu phương hoàn thành công việc chuẩn bị và tổ chức kháng chiến. Phương châm là tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, đồng thời giữ gìn và phát triển lực lượng để kháng chiến lâu dài.

Kế hoạch của ta là xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân; chủ động ngay từ đầu tiến công làm rối loạn thế trận của địch; sau đó một bộ phận lực lượng trụ lại thành một khu cố thủ ở giữa thành phố, kìm chân địch ở bên trong; còn đại bộ phận lực lượng dãn ra chốt ở các cửa ô, tạo thế bao vây nhiều tầng, nhiều lớp đánh địch ở bên ngoài. Hai bộ phận ấy dựa vào nhau mà chiến đấu, làm cho địch trong ngoài đều bị đánh không thể tập trung lực lượng mau chóng đánh rộng ra. Nội thành được chia làm ba Liên khu, Liên khu I là nơi quân ta chốt lại giữa thành phố, còn Liên khu II và III cùng 5 khu ngoại thành là nơi quân ta xây dựng vành đai bao vây địch.

Phía Pháp, bọn thực dân phản động xúc tiến phá hoại Hiệp định sơ bộ và cả Tạm ước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Chính phủ Pháp ngày 14-9-1946 tại Paris. Chúng đẩy mạnh những hoạt động quân sự lấn chiếm để đi đến thôn tính toàn bộ Việt Nam.

Ngày 20-11-1946, chúng đánh chiếm thành phố Hải Phòng và thị xã Bắc Ninh, đồng thời cho hàng nghìn quân đổ bộ lên Đà Nẵng. Ở Hà Nội, chúng tăng quân trái phép lên tới 6.500 tên được trang bị vũ khí đầy đủ, hiện đại, đóng ở 45 cứ điểm then chốt trong thành phố. Hàng nghìn Pháp kiều cũng được trang bị vũ khí, tổ chức thành những ổ tác chiến nằm ở những đường phố quan trọng. Ngày 11-12-1946, chúng đốt Nhà thông tin Bờ Hồ. Ngày 10-12, chúng đặt mìn phá công sự tự vệ ở nhiều nơi. Ngày 16-12, chúng xả súng vào công an ta đang làm nhiệm vụ giữ trật tự. Ngày 1 7-1 2, chúng tiến công tự vệ, tàn sát nhân dân ở phố Yên Ninh. Ngày 18-12, chúng đưa tối hậu thư đòi tước vũ khí tự vệ, chiếm Sở công an Hà Nội, nắm quyền kiểm soát thành phố. Chúng khước từ đề nghị thương lượng do ta đưa ra. Chúng công khai đòi tước bỏ chủ quyền của ta, bắt ta phải đầu hàng, quyết cướp nước ta một lần nữa. Chúng đã xóa bỏ hoàn toàn mọi hiệp định. Khả năng hòa bình không còn nữa. Để bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Hà Nội cùng với nhân dân cả nước đứng dậy kháng chiến chống thực dân Pháp.

20 giờ 00 ngày 19-12-1946, quân dân Hà Nội nổ súng, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược. (Lúc này chính phủ ta đã chuyển ra ngoài thành phố để lên Việt Bắc. Nhân dân Hà Nội thì đại bộ phận đã tản cư ra các tỉnh chưa có chiến sự).

Tất cả các vị trí của địch ở thành phố đều bị tiến công, nhiều ổ tác chiến của chúng đã bị tiêu diệt, như ở Nhà máy đèn Bờ Hồ, Nhà máy điện, Nhà máy nước Yên Phụ, rạp chiếu bóng Majestic... Địch bị giáng một đòn bất ngờ, thế trận bị đảo lộn, phải lúng túng đối phó khắp nơi. Sau đó, địch phản kích lại, đánh chiếm những đầu mối giao thông đông thời tiến đánh các trụ sở cơ quan quan trọng của ta: Bắc Bộ phủ, Sở Bưu điện, Ủy ban hành chính Hà Nội, Bộ quốc phòng. Ở đâu quân Pháp cũng vấp phải sức chiến đấu dai dẳng, quyết liệt của quân dân ta và bị tổn thất nặng nề. Ý đồ ngông cuồng của Pháp định làm chủ thành phố trong 24 giờ đã hoàn toàn thất bại.

Từ ngày 21-12, quân dân Liên khu I trụ lại thành một chốt thép giữa lòng địch, thu hút giữ chân chúng. Trong khi đó, các lực lượng của ta ở Liên khu II dựa vào ngoại thành, tạo ra một vành đai vây hãm địch, phối hợp tác chiến với Liên khu I, trong và ngoài cùng đánh. Địch bị kẹt ở giữa, lúng túng đối phó. Ta có điều kiện kéo dài thời gian, giam chân và tiêu hao địch.

Sau khi kế hoạch “chiến tranh chớp nhoáng” thất bại, Pháp phải tập trung quân địch hòng tiêu diệt lực lượng ta ở nội thành, sau đó mới đánh ra ngoại thành. Chúng mở liên tiếp các cuộc tiến công vào Hàng Da, chợ Hôm, Lò Lợn, Hàng Bông, Đại Cồ Việt, Ô Câu Dền, phía Nam khu Đông Kinh nghĩa thục... vào cuối tháng 12; đồng thời cố đánh đường số 5 để viện binh từ Hải Phòng lên.

Quân dân ta đã phát huy nhiều sáng kiến đánh địch, với mọi thứ vũ khí có trong tay, bám địch mà đánh với tinh thần “Sống chết với Thủ đô”. Tính đến 29-12-1946, ở Hà Nội đã diễn ra 47 trận đánh ác liệt ở các khu phố nội thành.

Không tiêu diệt được lực lượng của ta ở nội thành, Pháp cho quân tập trung đánh ngoại thành để cô lập lực lượng trong nội thành. Từ 30-12 đến 6-1-1947 địch mở liên tiếp 6 đợt tiến công đánh chiếm vành đai các cửa ô từ Lò Lợn đến Ô Câu Dền, ngã tư Kim Liên, Kim Mã, Ngọc Hà, Thụy Khuê, Yên Phụ. Ta đã chặn đánh quyết liệt, giành đi giật lại từng tấc đất vành đai, đồng thời đánh mạnh ở Liên khu I.

Trong khói lửa chiến tranh, lực lượng của ta được rèn luyện và trưởng thành. Ngày 6-1-1947, Trung đoàn Liên khu I - Trung đoàn Thủ đô được thành lập. Tiếp đó, Trung đoàn 48 (tháng 7-1947 được Quốc hội đặt tên là Trung đoàn Thăng Long) cũng được thành lập ở Liên khu II. Ngày 13-1-1947, Đội quyết tử của Trung đoàn Thủ đô làm lễ tuyên thệ trước khi bước vào cuộc chiến đấu mới.

Từ ngày 15-1, sau khi có viện binh từ Hải Phòng, địch tiếp tục mở những cuộc tiến công mới trên đường vòng cung Vĩnh Tuy, Ngã tư Trung Hiền, Ngã tư Vọng, Bạch Mai, Ngã tư Sở, Ô Cầu Giấy... Đến 25-1, chúng kiểm soát được vòng cung bao quanh thành phố. Quân ta lui ra ngoại thành sau khi gây cho địch nhiều tổn thất. Từ ngày 6-2, giặc Pháp mở đợt tổng công kích vào Liên khu I. Quân ta chiến đấu ngoan cường, liên tục bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch vào nhà Xô-va, Trường Ke; giành giật với địch từng căn nhà, từng góc phố. Đêm 1 7-2- 1 947, sau khi hoàn thành việc giam chân địch, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã rút ra ngoài an toàn.

Sau 60 ngày chiến đấu ngoan cường (từ 19-12-1946 đến 17-2-1947), quân và dân Hà Nội đã tiêu diệt hơn 2000 tên địch, phá hủy hàng chục xe cơ giới, bảo toàn được lực lượng để kháng chiến lâu dài. Quân dân Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Trung ương giao phó.

Phong trào đấu tranh trong Hà Nội bị tạm chiếm
 Sau khi Trung đoàn Thủ đô rút ra ngoài, Hà Nội tạm thời bị Pháp chiếm đóng. Chúng một mặt tổ chức bộ máy cai trị, mặt khác bổ sung quân số, đóng ở nhiều vị trí, càn quét nống ra ngoại thành. Trong tình hình đó, Đảng bộ Hà Nội đã gây dựng và phát triển cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng, tổ chức lực lượng chính trị và vũ trang, phát động chiến tranh du kích, phá tề trừ gian, phá kế hoạch lập phòng tuyến của địch. Nhiều trận đánh của du kích gây tiếng vang như ở Xuân La, Cổ Nhuế, Nam Dư... Từ giữa năm 1949, Đảng bộ Hà Nội đẩy mạnh xây dựng lực lượng, biến Hà Nội, hậu phương của địch, thành một chiến trường. Cán bộ quân sự và công an được đưa nhiều vào thành phố. Đầu năm 1950, ta đã phát động một chiến dịch xây dựng lực lượng vũ trang nội thành. Phối hợp với chiến trường chính, đêm 18-1-1950, một đơn vị bộ đội tiến công sân bay Bạch Mai, phá 25 máy bay, đốt 60 vạn lít xăng, diệt một số sĩ quan, binh lính địch. Sau thất bại nặng nề ở biên giới phía Bắc, thu đông năm 1950, Pháp thực hiện kế hoạch Đơ Tátxinhi (De Tassigny), tập trung lực lượng phòng ngự đồng bằng Bắc Bộ, trong đó Hà Nội là cái chốt quan trọng nhất. Vì vậy địch tăng cường phòng thủ Hà Nội. Trên địa bàn nội ngoại thành ken dầy thêm đồn bót. Đồng thời địch quyết phá hết các cơ sở kháng chiến trong thành phố, bình định ngoại thành củng cố, và mở rộng ngụy quyền, ngụy quân.

Về phía ta, do Hà Nội nằm sâu trong vùng địch kiểm soát, Đảng bộ đã chuyển hướng hoạt động, kết hợp đấu tranh chính trị, kinh tế với đấu tranh vũ trang; kết hợp hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp với hoạt động bí mật. Nhờ đó, mặc dù tập trung lực lượng mạnh, dùng nhiều thủ đoạn tàn bạo, địch vẫn không phá được phong trào kháng chiến ở Hà Nội. Nhiều hoạt động quân sự đã phối hợp chặt chẽ với quân đội ta ở Điện Biên Phủ và cổ vũ mạnh mẽ nhân dân Thủ đô đẩy mạng kháng chiến. Đến mùng 3 rạng sáng ngày 4-3-1954, một đơn vị vũ trang của ta tập kích sân bay Gia Lâm, phá hủy 18 máy bay vận tải và kho xăng, gây nhiều khó khăn cho địch trong việc tiếp tế cho Điện Biên Phủ.

Về phong trào quần chúng, bất chấp mọi hành động đàn áp, mua chuộc, lôi kéo, nhân dân Hà Nội vẫn hướng về kháng chiến đấu tranh với địch theo điều kiện và khả năng của mình (có sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố).

Sau khi học sinh Trần Văn Ơn ở Sài Gòn bị địch giết hại ngày 9-1-1950, học sinh, sinh viên Hà Nội lập tức bài khóa, để tang để tỏ tình đoàn kết đấu tranh với học sinh sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn. Cuộc đấu tranh của học sinh được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ, làm chấn động dư luận.

Từ tháng 4-1950, ở Hà Nội liên tiếp nổ ra những cuộc đấu tranh của học sinh, chống văn hóa nô dịch; của tiểu thương Chợ Đồng Xuân đòi bỏ thuế thương vụ, giảm thuế chỗ ngồi; của công nhân giao thông đòi tăng lương, chống dãn thợ...

Trong năm 1952 , phong trào đấu tranh giành quyền lợi hàng ngày phát triển. Quân chúng đấu tranh chống thuế; chống bắt thanh niên đi lính; đòi tăng lương, không làm thêm giờ, không được phạt vạ vô cớ; không đi phu đắp đường, xây bốt; không vào bảo an, hương dõng...

Tháng 1-1953 , nhân dân đấu tranh chống cuộc bầu cử “Hội đồng thành phố” bù nhìn và “Hội đông hương chính” ở các xã; đại bộ phận cử tri không đi bỏ phiếu. Tháng 5-1953, quần chúng đến các trại lính ở Ngọc Hà, Lò Đúc, Sinh Từ... đòi chồng con, anh em và tuyên truyền thanh niên bị bắt lính bỏ về nhà. Cùng với cuộc đấu tranh của công nhân đòi tăng lương, cuộc đấu tranh của tiểu thương các chợ đòi giảm thuế kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1953. Nổi bật trong thời gian này là phong trào chống bắt lính. Thanh niên học sinh chống chủ trương quân sự hóa trong học đường, học sinh các trường Minh Tân, Tây Sơn, Khai Thành, Chu Văn An, các trường đại học Văn khoa, Sư phạm bãi khóa chống học quân sự.
 
Phong trào đấu tranh chống văn hóa nô dịch cũng có những chuyển biến mới. Ngày 23-2-1954, trong “Hội nghị giáo đục toàn quốc” của bù nhìn, họp ở Hà Nội, đại biểu của giáo viên và học sinh yêu cầu dùng tiếng Việt ở bậc đại học, chống học nhồi sọ... Ngày 10-3, nhân dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng, phụ nữ tổ chức nói chuyện ở Nhà hát Lớn, công khai lấy kiến nghị chống trụy lạc hóa thanh niên.

Thực hiện chủ trương của Thành ủy, hưởng ứng bản kiến nghị đòi lập lại hòa bình của trí thức Sài Gòn, ngày 12-4-1954, một số trí thức tiêu biểu ở Hà Nội đã ký bản kiến nghị các bên tham chiến thương lượng, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. Cuộc vận động ký kiến nghị hòa bình cũng được phát động trong các tầng lớp nhân dân và phát triển nhanh chóng. Đến tháng 6-1954, cuộc vận động đã thu hút được hàng vạn chữ ký .

Phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Nội, đấu tranh kinh tế, văn hóa kết hợp với đấu tranh chính trị và những hoạt động quân sự đã tiến công quân thù ở ngay sào huyệt của chúng và giành được thắng lợi to lớn.

 

Theo: Báo ảnh Việt Nam