Hà Nội - Đà Lạt

In
Xem kết quả: / 0
Bình thườngTuyệt vời 

Hà Nội - Đà Lạt - Thành phố Ngàn Hoa - chinh phục đỉnh Lang Bian huyền thoại

Tour 4 ngày/ 3đêm - Khởi hành HÀNG TUẦN

Ðà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng, cách thành phố Hồ Chí Minh về phía đông bắc gần 300km. Đà Lạt là một thành phố nằm ở vùng cao nguyên Lâm Viên với độ cao 1500m, phong cảnh thiên nhiên hết sức ngoạn mục. Ðà Lạt mang dáng dấp như một thành phố cổ nước Pháp, có lịch sử hơn 100 năm xây dựng. Ðà Lạt có nhiều hồ tự nhiên và nhân tạo như Hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Ða Thiện, hồ Tuyền Lâm... bao quanh các hồ là những rừng thông nối tiếp nhau. Thông cũng là một nét đặc trưng của Ðà Lạt và có sức hấp dẫn đặc biệt. Có thể gọi Ðà Lạt là thành phố của rừng thông

Ðà Lạt còn có hàng trăm thác nước. Nổi tiếng có thác Dambri, thác Cam Ly, Prenn... Nói đến Ðà Lạt không thể không nói đến hoa. Khí hậu và đất đai Ðà Lạt rất thích hợp cho sinh trưởng và phát triển các loài hoa cũng như các loài rau xanh. Có không dưới 1.500 loài hoa được trồng ở đây kể cả những loại hoa ở vùng ôn đới.

Ngày 1: Hà nội - Đàlạt ( ăn tối)

Sáng Quý khách đáp chuyến bay VN277 (11h40 - 13h20 )đi Đà Lạt, trở về khách sạn bằng xe AIRPORT BUS từ sân bay Liên Khương – sân bay của Tp. Đà lạt (Quý khách lưu ý là các chuyến bay Đà Lạt – Hà nội chỉ bay vào các ngày thứ ba, thứ sáu, thứ bẩy và chủ nhật, để có thông tin về chuyến bay chi tiết vui lòng liên hệ với chúng tôi)

Chiều: Tự do thăm thành phố, các điểm thăm quan bách bộ như chợ Đà Lạt, hồ Xuân Hương, đồi Cù,...

Tối: Ngủ đêm tại khách sạn

Ngày 2: Thăm quan thành phố Đà Lạt ( ăn sáng, trưa, tối)

Sáng: Bắt đầu tham quan thành phố Đà Lạt. 8h30 Xe và hướng dẫn viên đưa quý khách lần lượt đến những điểm du lịch nổi tiếng của thành phố này như Thung lũng Tình Yêu, một thắng cảnh trữ tình vào bậc nhất ở Đà Lạt, Dinh Bảo Đại, nơi nhà vua Bảo Đại dùng làm Tổng hành dinh và chỗ làm việc cho mình. Bên cạnh đó, du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kì diệu của vườn hoa thành phố.

Chiều : Tiếp tục tham quan những thắng cảnh Đà Lạt như Thiền Viện Trúc Lâm, thác Datanla hùng vỹ với bức màn nước buông mình từ độ cao 10m xuống thung lũng nhỏ. Du khách còn được ngắm Hồ Tuyền Lâm, chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Đà Lạt từ trên cao bằng hệ thống cáp treo (chi phí cáp treo tự túc). Ngoài ra tour du lịch này còn đưa quý khách đến với làng dân tộc Mạ, K'Ho mang đậm bản sắc Tây Nguyên và chùa làm nhang.

Tối: Quý khách được tự do nghỉ ngơi hoặc dạo quanh bờ hồ ngắm nhìn thành phố về đêm hay thưởng thức cà phê Đà Lạt trong không khí se lạnh ...

Ngày 3: Chinh phục đỉnh Lang Bian huyền thoại (ăn sáng, trưa, tối)

Sau khi ăn sáng , xe và HDV đó n quý khách từ khách sạn khởi hành đến chân núi Lang bian. Lên đỉnh núi bằng xe Jeep đặc chủng của Liên Xô cũ. Ngắm Lang Bian và những dãy núi bao quanh phủ đầy mây trắng ở độ cao 1900 mét so với mực nước biển. Tham quan và chụp hình dòng suối Đankia lấp lánh ánh vàng, bạc uốn khúc dưới chân núi. Chiêm ngưỡng và chọn cho mình những món quà thổ cẩm đơn sơ, mộc mạc của đồng bào dân tộc bản địa.
Thăm làng dân tộc Lạt, xưởng dệt thổ cẩm, uống rượu cần Langbian, nghe kể truyền thuyết về đỉnh núi...
Trở về Đà Lạt tham quan bảo tàng Sinh học và Thung Lũng Tình Yêu.

Ăn trưa + tối tại khách sạn

Tối : Nghỉ đêm tại Đà Lạt

Ngày 4: Đà Lạt – Hà nội ( ăn sáng)
Sau khi ăn sáng, quý khách tự do tham quan thành phố đà lạt hoặc đi chợ mua đồ lưu niệm tặng bạn bè người thân. Trưa quý khách trả phòng khách sạn, xe đón quý khách ra sân bay Liên Khương đáp chuyến bay VN 276 khởi hành lúc 13h20 trở về Hà nội. 15h00 quý khách về đến Hà nội. kết thúc tour.

Gía vé cho 01 khách du lịch
(áp dụng cho nhóm tối thiểu từ 2 khách, tour ghép đoàn, đi và về bằng máy bay)

GIÁ VÉ BAO GỒM

GIÁ KHÔNG BAO GỒM

THÔNG TIN HƯỚNG DẪN


Thiền viện Trúc Lâm

Vị trí: Thiền viện Trúc Lâm tọa lạc bên hồ Tuyền Lâm trên núi Phượng Hoàng, thuộc phường 3 thành phố Ðà Lạt.
Đặc điểm: Ðây là ngôi chùa to nhất, bề thế nhất ở Ðà Lạt hiện nay.

Chùa do hòa thượng Thích Thanh Từ tạo dựng từ đầu thập niên 90, chính thức khởi công xây dựng ngày 08/04/1993 và khánh thành ngày 08/02/1994. Thiền viện có diện tích 24,5 ha; được chia thành 3 khu riêng biệt với sự tham gia thiết kế của kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ (người thiết kế Dinh độc lập - nay là Dinh Thống nhất, thành phố Hồ Chí Minh).

Những lúc đông nhất, thiền viện có hàng ngàn tăng ni, phật tử đến theo học về thiền. Đây là một thiền viện nghiên cứu về Thiền tông lớn nhất ở Việt Nam hiện nay với chủ trương khôi phục Thiền tông Việt Nam (có từ đời nhà Trần). Mỗi ngày, các tu sĩ ngồi thiền 3 thời trong ngày, mỗi thời 2 giờ đồng hồ và thời đầu tiên là từ lúc 3 giờ sáng.

Ngoài ý nghĩa là một ngôi chùa lớn, một viện thiền học, Trúc Lâm còn là một điểm tham quan lý tưởng cho du khách khi đến với thành phố cao nguyên do được tổ chức tốt và có vị trí khá đẹp - nhìn ra hồ Tuyền Lâm, núi Voi. Ngoài ngôi chùa lớn này, Ðà Lạt còn có hàng chục chùa nhỏ khác như Linh Quang (đường Ngô Quyền), Trúc Lâm (đường Phạm Hồng Thái), Ngọc Tín (Sương Nguyệt Ánh)... mà khi kết hợp lại có thể cho du khách một tour du lịch tín ngưỡng - tìm hiểu kiến trúc độc đáo.


Chùa Linh Sơn

Vị trí: Chùa Linh Sơn nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 700m về hướng tây bắc.
Đặc điểm: Chùa có lối kiến trúc Á Đông giản dị với hai mái xuôi. Trên đỉnh mái có đắp đôi rồng uốn lượn theo thế "lưỡng long triều nhật". Hai bên bậc cấp dẫn vào chánh điện cũng có cặp rồng há miệng được khắc chạm công phu tượng trưng long thần hộ trì Phật pháp.

Chùa Linh Sơn tọa lạc trên một ngọn đồi rộng 4ha, trồng trà, cà phê, bạch đàn, thông, tùng, trắc bách diệp, mai anh đào...Chùa được xây dựng từ năm 1936 và hoàn thành vào năm 1940. Cảnh chùa trang nghiêm, cổ kính. Con đường vào chùa rợp bóng những hàng thông và cây sao cao vút. Ngay trước sân chùa là tượng Quan Thế Âm đứng trên Đài Sen, bên trái chùa có ngôi bảo tháp cao ba tầng hình bát giác, còn bên phải sân chùa có những hòn giả sơn và bonsai tạo dáng thật đẹp.

Nơi đây còn có một hồ nước nổi bật giữa đám cỏ xanh với những bông súng khoe sắc màu, những chú cá vàng nhởn nhơ bơi lội trông thật vui mắt. Bên trong chùa, điện Phật được bài trí trang nghiêm. Chánh điện thờ Đức Thích Ca Mâu Ni đang tham thiền nhập định trên tòa sen. Tượng được đúc vào năm 1952, bằng đồng, nặng 1.250kg. Ngoài ra chùa còn có phòng phát hành kinh sách và hàng lưu niệm. Trụ trì chùa từ năm 1964 đến nay là Hòa thượng Thích Từ Mẫn. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng hiện đặt văn phòng tại đây

 


Hồ Than Thở

Vị trí: Hồ Than Thở nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 6km về phía đông, theo trục đường Quang Trung - Hồ Xuân Hương.
Đặc điểm: Đến thăm nơi đây, du khách sẽ được nghe kể về những chuyện tình cảm động đã mượn nước hồ để giữ mãi mối tình chung thủy.
Từ lâu, tên hồ Than Thở đã trở nên nổi tiếng với 2 câu thơ:

“Đà Lạt có thác Cam Ly
Có hồ Than Thở người đi sao đành”

 

Sở dĩ nổi tiếng là vì hồ nằm gần trường Võ bị quốc gia Đà Lạt (nay là Học viện Lục quân) và gắn liền với một thời hoàng kim của trường vào thập niên 1950, đầu thập niên 1960. Cứ ngày nghỉ, lễ, chủ nhật là gia đình của các học viên và người yêu kéo đến gặp nhau vui chơi ở đây. Và cho đến nay vẫn còn câu chuyện Thảo - Tâm cùng ngôi mộ của người con gái xấu số tên Thảo lạnh lẽo ở Đồi thông 2 mộ (từ ngoài vào phía tay trái khu du lịch).
Hồ Than Thở nằm trên đồi cao giữa một rừng thông tĩnh mịch. Cảnh vật quanh hồ nên thơ, mặt nước hồ luôn phẳng lặng trầm ngâm. Con đường đất ven hồ như mất hút xa xa. Tại đây dường như chỉ còn nghe vi vút tiếng gió nhẹ, tiếng thông reo như thở than, như nức nở. Có một đôi cây thông yêu nhau rất lạ ở phía bắc của hồ tạo thành một đôi “tình nhân” thông quấn quýt bên nhau không rời và du khách có thể đến đó chụp hình lưu niệm. Đồi thông ở hồ Than Thở dường như cũng đẹp hơn các nơi khác vì thông thưa hơn, cao đều hơn nên khi ánh nắng mặt trời rọi xuống ngả bóng trên thảm cỏ rất đẹp.
Xa xưa nữa, nơi đây gắn với câu chuyện tình của Hoàng Tùng và Mai Nương. Chuyện xảy ra vào thế kỷ 18, khi người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ dấy binh đánh đuổi bọn xâm lược nhà Thanh, trai tráng khắp nơi hưởng ứng, trong đó có Hoàng Tùng. Trước khi chia tay, hai người rủ nhau ra bên bờ than thở hẹn thề. Chàng hẹn đến mùa xuân - khi Mai anh đào nở sẽ đem tin thắng trận trở về. Ở nhà, Mai Nương được tin Hoàng Tùng tử trận nên nàng đã quyết định gieo mình bên dòng suối tự trầm. Nhưng trớ trêu thay, đến giữa mùa xuân Hoàng Tùng thắng trận trở về, chàng vô cùng đau buồn khi biết người yêu đã chết. Mấy năm sau triều đại Tây Sơn sụp đổ, Gia Long trả thù những người có công với triều Tây Sơn nên Hoàng Tùng đã tự vẫn bên hồ để được hạnh phúc với người yêu nơi chín suối. Từ đó hồ có tên là Than Thở cho đến ngày nay.


Hồ Xuân Hương

Vị trí: Hồ Xuân Hương nằm tại trung tâm thành phố Đà Lạt.
Đặc điểm: Hồ được mang tên Xuân Hương từ năm 1953 như muốn làm sống mãi hình ảnh lãng mạn của nữ sĩ thơ Nôm Hồ Xuân Hương nổi tiếng Việt Nam thế kỷ thứ 19.

Đây là hồ lớn ở Ðà Lạt, rộng chừng 5km². Hồ Xuân Hương có hình mảnh trăng lưỡi liềm, là nơi thơ mộng, cuốn hút khách nhàn du và cũng là nơi hò hẹn của những đôi bạn tâm tình. Mặt hồ phẳng lặng như tấm kính pha lê, soi bóng những hàng thông reo hát suốt ngày đêm. Những con đường quanh hồ rợp bóng cây tùng, tạo thêm vẻ thơ mộng cho hồ. Du khách có thể ngồi dưới gốc tùng buông lưỡi câu, hoặc đi chơi trên mặt hồ bằng những chiếc xe đạp nước mang dáng con thiên nga, hoặc dừng chân ở nhà thủy tạ với cách kiến trúc đặc biệt để thưởng thức những ly nước ngọt đậm đà hương vị Ðà Lạt.