DMZ tour - Tour thăm chiến trường xưa

In
Xem kết quả: / 1
Bình thườngTuyệt vời 

DMZ tour - Tour thăm chiến trường xưa

(3 ngày, 4 ngày ) - Khởi hành HÀNG NGÀY

Có một thương hiệu du lịch tại Quảng Trị rất quen thuộc với khách quốc tế là DMZ tour (The Demilitarized Zone tour - du lịch khu phi quân sự).
Với nhiều du khách quốc tế, một trong những lý do để họ tìm đến VN hôm nay vẫn là cái quá khứ chiến tranh khốc liệt; thế mà Quảng Trị lại có quá nhiều địa danh nổi tiếng thế giới: cầu Hiền Lương - sông Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị, căn cứ Khe Sanh -đường 9, Dốc Miếu - hàng rào điện tử McNamara, trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN, đồng thời là tỉnh tập trung đến 70 nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) trong đó có NTLS Trường Sơn và NTLS Đường 9 là hai nghĩa trang quốc gia với hơn 6 vạn nấm mồ liệt sĩ - địa chỉ hành hương của nhân dân cả nước...

Ngày 1: Hà nội - Đông Hà (Quảng trị)

18h00 : Xe OPEN BUS (Xe 45 chỗ, điều hoà, ghế ngả) đón qúy khách tại văn phòng công ty khởi hành đi Đông Hà. Quý khách ngủ đêm trên xe (các điểm dừng chân trong hành trình: Ninh Bình (10h00); Vinh (1h00 sáng); Đồng Hới (6h00 sáng); Đông Hà (7h00 sáng)
Lựa chọn: Quý khách có thể đáp chuyến tàu SE1( khởi hành từ hà nội lúc 19h00 đến Huế lúc 8h37 ), SE3 ( khởi hành từ hà nội lúc 23h00 đến Huế lúc 10h34 ), khởi hành đi Đông Hà, ngủ đêm trên tàu

Ngày 2: Thăm quan chiến trường xưa (ăn sáng, trưa, tối)

6h00 Xe đưa quý khách đến Đông Hà, nhận phòng khách sạn

8h00: Khởi hành từ thị xã Đông hà, xe đưa quý khách đi thăm quan Rockpile, thăm quan cầu treo Đakrông, đường mòn Hồ Chí Minh, bản làng Bru và dân tộc Vân Kiều. Dừng chân thăm quan căn cứ quan sự Khe Sanh, di tích sân bay Tà Cơn, bảo tàng. Xe đưa quý khách trở về Đông Hà, ăn trưa

13h00 Quý khách tiếp tục cuộc hành trình theo quốc lộ 1, trên xe quý khách sẽ được nghe giới thiệu về thành cổ Quảng Trị, nhà thờ La Vang. Dừng chân thăm quan cầu Hiền Lương, sông Bến Hải và nghe giới thiệu về lịch sử, cuộc chiến tranh hào hùng nơi đây.

Trên đường đến Vĩnh Mốc quý khách có dịp được chiêm ngưỡng và nghe giới thiệu về những di tích còn sót lại của căn cứ Dốc Miếu, hàng rào điện tử Macnamara. Quý khách thăm quan địa đạo Vĩnh Mốc, bảo tàng

Chiều xe đưa quý khách về thị xã Đông Hà, ngủ đêm ở Đông Hà

Ngày 3: Tự do thăm quan tại Đông Hà (ăn sáng, trưa, ăn tối trên tàu)

Quý khách tự do ở Đông Hà, các điểm có thể thăm quan:

  1. Tắm biển Cửa Tùng, cửa Việt
  2. Thăm quan và mua sắm hàng hóa tại khu thương mại biên giới Lao Bảo
  3. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, nhà thờ la Vang

18h00 Xe đón quý khách ra Hà nội, ngủ đêm trên xe OPEN TOUR hoặc quý khách đi chuyến tàu SE 2 khởi hành lúc 17h03 về đến Hà nôi lúc 5h38.

Ngày 4: Về Hà Nội
6h00 Quý khách về đến Hà nội, kết thúc chuyến du lịch

Gía vé cho 01 khách du lịch
(áp dụng cho nhóm tối thiểu từ 2 khách, tour ghép đoàn)

GIÁ VÉ BAO GỒM

GIÁ KHÔNG BAO GỒM

GHI CHÚ:

 

Thành cổ Quảng Trị

Vị trí: Thành cổ Quảng Trị thuộc phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, cách quốc lộ 1A 2km về phía đông.
Đặc điểm: Thành được xây từ năm thứ 4 đời vua Minh Mạng (1824). Nơi đây đã từng đương đầu với khối lượng bom đạn khổng lồ của quân Mỹ vào năm 1972.

Thành có chu vi gần 2km, cao hơn 4m, dày khoảng 12m. Thành có 4 cửa theo hướng Ðông, Tây, Nam, Bắc. Bên ngoài chân tường có hào rộng chừng 18m.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1972 tại thành cổ Quảng Trị, quân giải phóng Việt Nam đã phải đương đầu với khối lượng khổng lồ bom đạn sắt thép của Mỹ - Nguỵ trút xuống thành cổ, với sức công phá bằng 8 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống Hirosima (Nhật Bản) năm 1945. Các chiến sĩ quân giải phóng Việt Nam vẫn kiên cường bám trụ bảo vệ thành cổ suốt 81 ngày đêm tới khi có lệnh rút quân.

 


Địa đạo Vịnh Mốc

Vị trí: Địa đạo Vịnh Mốc thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, cách quốc lộ 1A 13km về phía đông, cách Cửa Tùng 6km về phía bắc.
Đặc điểm: Địa đạo dài gần 2km gồm 3 tầng sâu dưới mặt đất. Nơi đây từng là pháo đài thép của miền Bắc XHCN trong suốt 7 năm liền chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Vịnh Mốc là nơi đầu tiên bị đế quốc Mỹ ném bom tàn phá trong cuộc chiến tranh bằng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam.
Địa đạo Vịnh Mốc là một trong những điểm hấp dẫn của tuyến du lịch nổi tiếng DMZ (khu vực phi quân sự), thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là những cựu chiến binh Mỹ.

Họ đến để chiêm ngưỡng kỳ tích độc đáo này, một chứng tích tiêu biểu về sự hy sinh chịu đựng và gan góc chiến đấu vì độc lập, tự do của người dân Vịnh Mốc nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Hàng ngàn dòng cảm tưởng của khách nước ngoài tỏ ra vô cùng thán phục tài trí, ý chí của người Việt Nam.

Địa đạo Vịnh Mốc được đào xong trong vòng 2 năm, với khoảng 6.000m3 đất đá. Hệ thống đường hầm có tổng chiều dài gần 2km, chia thành 3 tầng: tầng một sâu dưới mặt đất khoảng 13m; tầng 2 khoảng 15m và tầng 3 sâu trên 23m; gồm 13 cửa ra vào đồng thời cũng là những cửa thông hơi (bẩy cửa thông ra biển và sáu cửa đi lên đồi). Địa đạo được thiết kế như một làng dưới mặt đất với 94 căn hộ gia đình, có giếng nước ngọt đáp ứng sinh hoạt của người dân địa đạo, có hội trường đủ sức chứa khoảng 60 người, bảng tin, nhà hộ sinh, nhà vệ sinh, phòng phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm (loại bếp nấu được dưới lòng đất mà hạn chế khói bốc lên), kho gạo, trạm đặt máy điện thoại, đài quan sát, trạm gác, hầm tránh bom khoan.

Ấn tượng mạnh khi đặt chân lên vùng di tích Vịnh Mốc là dòng chữ lớn nằm trang trọng trong phòng trưng bày: "Tồn tại hay không tồn tại", rút ra từ tác phẩm nổi tiếng Hămlét của nhà văn người Anh Xêchxpia. Câu này lại càng có ý nghĩa hơn và gây xúc động cho du khách khi đặt bênh cạnh những tấm ảnh: một tấm chụp cảnh làng quê trù phú san sát nóc nhà vào tháng 2/1965; còn tấm ảnh kế bên cũng làng quê ấy, nhưng đã bị bom đạn kẻ thù hoàn toàn huỷ diệt trên mặt đất; tấm ảnh 11 cháu bé ra đời trong bóng tối của chiến tranh đang quây quần trong ánh sáng của ngày chiến thắng; tấm ảnh bốn o du kích xinh tươi trong chiếc áo sơ mi trắng lạc quan hát dưới hầm địa đạo và rồi cũng chính họ trong bộ cánh màu xanh người lính lại xuất hiện trên mặt đất điều khiển các khẩu pháo bắn trả kẻ thù.

Chính sự tàn khốc của chiến tranh ở nơi đây đã làm cho con người ta muốn tồn tại chỉ có hai cách: hoặc là bỏ nơi đây mà đi, hai là chui xuống đất và người dân Vịnh Mốc đã chọn cách thứ hai. "Tồn tại hay không tồn tại" được người dân Vịnh Mốc trả lời bằng việc 17 công dân được sinh ra ngay dưới lòng địa đạo trong hai năm 1967-1968.

Đến địa đạo Vịnh Mốc hôm nay, nhìn những vườn cao su và hồ tiêu xanh mướt trên mảnh đất bazan màu mỡ, nhìn cảnh sắc biển trời mây non nước hiền hoà ấy, ít ai tưởng tượng được rằng hơn ba thập kỷ trước, ở nơi đây đã từng là một pháo đài thép của miền Bắc XHCN trong suốt bảy năm liền (1966 - 1972) chống lại cuộc chiến tranh phá hoại khốc liệt của đế quốc Mỹ. Vịnh Mốc không chỉ là địa đầu miền Bắc mà còn là địa điểm thuận lợi cho việc tập kết lương thực, vũ khí tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, hòn đảo có vị trí quan trọng cho việc án ngữ vùng biển Vĩnh Linh (cách Vịnh Mốc 28km). Chính vì vậy, Mỹ đã trút hàng vạn tấn bom đạn xuống vùng đất này. Kẻ xâm lược tuyên bố :"Phải biến đất này trở về thời kỳ đồ đá!". Một cuộc chiến tranh huỷ diệt được tiến hành vì mục tiêu "Phải kéo được biên giới Hoa Kỳ đến tận Vĩ tuyến 17 - ranh giới giữa hai bên bờ cầu Hiền Lương". Người ta ước tính rằng, trong một ngày, một người dân ở đây phải hứng chịu số bom đạn tương đương 500 quả đạn pháo hạng nặng.

Năm 1976, Bộ Văn hoá - Thông tin đã công nhận làng địa đạo Vịnh Mốc là di tích quốc gia và đưa vào danh mục các di tích đặc biệt quan trọng. Để đảm bảo an toàn cho du khách, Chính quyền địa phương đã cho tôn tạo, tu bổ, gia cố bằng bê tông các đoạn hầm bị sụt lở; mắc điện ở các lối đi trong địa đạo.


Giới thiệu một số điểm thăm quan trong tour

Thành cổ Quảng Trị nằm ngay ở trung tâm thị xã Quảng Trị, cách quốc lộ 1A khoảng 2km về phía Đông, cách bờ sông Thạch Hãn 500m về phía Nam.

Đây vừa là công trình thành luỹ quân sự, vừa là trụ sở hành chính của nhà Nguyễn trên đất Quảng Trị từ năm 1809 đến năm 1945. Theo các nguồn tài liệu thì vào đầu thời Gia Long, thành được xây dựng tại phường Tiền Kiên (Triệu Thành - Triệu Phong), đến năm 1809, vua Gia Long cho dời đến xã Thạch Hãn (nay là Phường 2 thị xã Quảng Trị).

Lúc đầu, thành được đắp bằng đất, đến năm 1827, vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Khuôn viên Thành cổ Quảng trị có dạng hình vuông với chu vi tường thành là 481 trượng 6 thước (gần 2000m), cao 1 trượng 94m), dưới chân dày 3 trượng (12m). Bên ngoài thành có hệ thống hào rộng bao quanh. Bốn góc thành là 4 pháo,đài cao, nhô hẳn ra ngoài. Các cửa: Tiền, Hậu, Tả, Hữu Xây vòm cuốn, rộng 3,4m, phía trên có vọng lâu, mái cong, lợp ngói, cả 4 cửa đều nằm chính giữa 4 mặt thành.

Nội thành có các công trình kiến trúc như Hành cung, cột cờ, dinh Tuần Vũ, dinh án Sát, dinh Lãnh Binh, Ty Phiên, Ty Niết, kho thóc, nhà kiểm học, trại lính … Trong đó, Hành cung được xem là công trình nổi bật nhất: bao bọc xung quanh là hệ thống tường dày, chu vi 400m, có hai cửa. Hành cung là một ngôi nhà rường, kết cấu 3 gian, 2 chái, mái lợp ngói liệt, trên có trang trí các hoạ tiết: rồng, mây, hoa, lá … Đây là nơi để vua ngự và thăng quan cho các quan cấp tỉnh ở Quảng Trị hay tổ chức các lễ tiết trong năm.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp đặt chính quyền bảo hộ thì Thành cổ lại có thêm nhà lao, toà mật thám, trại lính khố xanh, cơ quan thuế đoạn... Từ năm 1929 đến năm 1972, nhà lao Quảng Trị là nơi giam cầm các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước và chính nơi đây đã trở thành trường học chính trị, để rèn luyện ý chí son sắt, đấu tranh trực diện với kẻ thù của những người yêu nước.

Thành cổ Quảng Trị còn được thế giới biết đến và kính phục bởi cuộc đấu tranh anh dũng để bảo vệ thành cổ suốt 81 ngày đêm của các chiến sĩ giải phóng quân và nhân dân Quảng Trị

Hai phần ba tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng vào đầu năm 1972 là sư quyết định thắng lợi tại bàn hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Vì vậy, để làm thay đổi hội nghị, Mỹ Nguỵ đã âm mưu huy động tối đa lực lượng và phương tiện nhằm tái chiếm thị xã Quảng Trị mà trong đó mục tiêu đánh phá hàng đầu là thành Cổ.

Tại thị xã nhỏ bé chưa đầy 2Km2 này, địch đã tập trung vào đây mỗi ngày 150 - 170 lần máy bay phản lực, 70 - 90 lần máy bay B52, 12 - 16 tàu khu trục, tuần dương hạm, 2 sư đoàn dù và thuỷ quân lục chiến, 1 liên đoàn biệt động, 4 trung đoàn thiết giáp (với 320 xe tăng, xe bọc thép) và hàng chục tiểu đoàn pháo cỡ lớn...

Chỉ trong vòng 81 ngày, Mỹ- Nguỵ đã ném xuống đây gần 330.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Riêng ngày 25/7, chúng xả vào Thành Cổ hơn 5000 quả đại bác.

Trước cuộc tấn công cực kỳ dã man đó, quân và dân ta dù số lượng không đông (các đơn vị của sư 320, 308, 325 là chủ yếu) song với ý chí quyết tâm cao độ, tinh thần chiến đấu kiên cường đã đánh địch bật ra khỏi Thành Cổ và cả thị xã mà có khi "mỗi mét vuông đất là cả một mét máu".

Chiến công ở Thành Cổ Quảng Trị đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam những trang hào hùng. Thành Cổ là nơi hy sinh cao quý của biết bao chiến sĩ giải phóng quân và nhân dân Quảng Trị anh hùng.

Thành Cổ Quảng Trị được bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích Quốc gia theo quyết định số 235/VH - QĐ ngày 12/12/1986. Năm 1994, Thành Cổ Quảng Trị lại được xếp vào danh mục những di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng.

Do phải gánh chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ trong chiến tranh nên từ sau hoà bình lập lại, Thành Cổ chỉ còn dấu vết của một số đoạt thành, lao xá, cổng tiền, hậu...

Từ năm 1993 - 1995, hệ thống hào, cầu, cống, một số đoạt thành, cổng tiền đã được tu sửa, hàng nghìn cây dừa đã mọc lên phía trong thành. Đặc biệt một đài tưởng niệm lớn đã được xây dựng ở chính giữa Thành Cổ. Đài tưởng niệm được đắp nổi bằng đất có hình một nấm mồ chung, bốn phía gia cố xi măng tạo thành hình bốn cửa của Thành Cổ, phía trên là nơi để mọi người thắp hương tưởng niệm.

Hiện nay Thành cổ được Nhà nước đầu tư để tôn tạo các khu vực:

- Khu ghi dấu ấn về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở góc Đông Nam, tái toạ lại chiến trường năm 1972 với hầm hào, công sự, hố bom … Tại đây sẽ đặt 81 khối đá tự nhiên tạc văn bia mô tả cuộc chiến đấu phi thường của quân và dân ta.

- Khu phục dựng thành cổ nguyên sinh: ở phía đông bắc, thu nhỏ kiến trúc các công trình cổ, trồng một rừng mai vàng để gợi biểu tượng non Mai sông Hãn.

- Khu công viên văn hoá: ngoài tượng đài và nhà trưng bày bổ sung hai tầng, tại phía tây và tây nam này xây dựng một công viên có nhiều lối đi, ghế đá, cây cảnh, hồ nước, sân chơi …

Thành cổ Quảng Trị là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước và là điểm thu hút hấp dẫn khách tham quan trong nước và bè bạn quốc tế./.

Hiền Lương: Đôi bờ Hiền Lương là tên gọi cho cụm di tích hai bên bờ sông Hiền Lương là chứng tích cho một thời kỳ gần 20 năm chia cắt Bắc - Nam và nó còn là một địa danh lịch sử chứng kiến cuộc đấu tranh bền bỉ anh hùng của dân tộc ta trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Cụm di tích này nằm ở chỗ giao nhau giữa sông Bên Hải và quốc lộ 1A (km 735). Phía Bắc thuộc thôn Hiền Lương - xã Vĩnh Thành - huyện Vĩnh Linh, phía Nam thuộc thôn Xuân Hoà - xã Trung Hải - huyện Gio Linh, cách thị xã Đông Hà 22km về phía Bắc và cách thị trấn Hồ Xá 7km về phía Nam.

Hiền Lương (sông Hời, Minh Lương, Bến Hải) là một trong những con sông lớn ở Quảng Trị, chảy dọc theo Vĩ tuyến 17 từ Tây sang Đông. Tên Bến Hải do người Pháp đọc chệch từ địa danh Bên Hai ở thượng nguồn sông mà thành.

Hiệp định Geneve được ký kết, sông Bến Hải được chọn làm ranh giới tạm thời trong hai năm để tập kết lực lượng hai bên và tổng tuyển cử tự do thống nhất đất nước. Do Mỹ - Diệm cố tình xé bỏ hiệp định hòng chia cắt lâu dài nước Việt Nam. Sông Hiền Lương đi vào lịch sử dân tộc và tiềm thức nhân loại như là nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Cầu

Tính đến nay đã có 8 lần cầu được bắc qua sông Hiền Lương (từ cây cầu gỗ thô sơ bắc năm 1922 đến cây cầu hiện đại được thi công năm 1996), nhưng cây cầu để lại dấu ấn nhất trong lịch sử là cầu được Pháp xây dựng năm 1952. Mặc dù chỉ tồn tại đến năm 1967 nhưng nó là biểu tượng trực tiếp của nỗi đau chia cắt: "Cầu chia làm hai phần, mỗi bên 89m. Bờ Bắc 450 tấm ván mặt cầu, bờ Nam 444 tấm" (Nguyễn Tuân).

Tại đây, từ tháng 7/1954 đến tháng 10/1956 đã diễn ra nhiều cuộc tập kết lực lượng của ta và địch. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã kiên quyết đấu tranh đòi thực hiện quy chế Hiệp định và cũng là nơi diễn ra nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm giữa hai miền Nam - Bắc.


 

Làng Địa đạo Vịnh Mốc

Vịnh Mốc (thuộc xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) là một làng chài khiêm nhường có gần 100 nóc nhà nằm trên bờ biển phía đông nam thị trấn Hồ Xá chừng 13km, cách bãi tắm Cửa Tùng 7km về phía Bắc, cách đảo Cồn Cỏ anh hùng 30km về phía Tây. Trong kháng chiến chống Mỹ, ngoài đặc điểm chung của Vĩnh Linh là "tuyến đầu của miền Bắc, hậu phương trực tiếp của miền Nam" Vịnh Mốc có một vị thế vô cùng quan trọng cho việc tập kết và vận chuyển lương thực, vu khí cho đảo Cồn Cỏ.

Vào năm 1965, trước sự đánh phá tàn khốc của không quân và pháo binh Mỹ vào Vĩnh Linh, cũng như hầu hết các làng quê khác, Vịnh Mốc đã bị huỷ diệt hoàn toàn. Trước quyết tâm bám trụ quê hương, chi viện chi miền Nam, việc tổ chức phòng tránh cho con người đặt ra hết sức cấp thiết. Với ý chí " một tấc không đi, một li không rời" quân và dân Vĩnh Linh đã chuyển cuộc sống từ mặt đất xuống lòng đất, họ đã kiến tạo một hệ thống làng hầm đồ sộ, độc đáo mà địa đạo Vịnh Mốc là đại diện tiêu biểu nhất.

Cuối năm 1965, các chiến sĩ đồn biên phòng 140, nhân dân Vịnh Mốc, Sơn Hạ đã chọn quả đồi sát mép biển, nằm ở phía Nam làng Vịnh Mốc, bổ nhát cuốc đầu tiên khai sinh ra làng hầm Vịnh Mốc kỳ vĩ này.

Toàn bộ địa đạo được đào trong lòng quả đồi đất đỏ có độ cao chừng 30m, rộng hơn 7ha. Hệ thống đường hầm cấu trúc hình vòm có kích thước khoảng 0,9m x 1,75m với độ dài 2034m bao gồm nhiều nhánh nối thông với nhau qua trục chính dài 780m, có 13 cửa ra vào, được chống đỡ bằng cột nhà, gỗ và nguỵ trang khá kín đáo, tất cả đều đào chếch theo hướng gió, đảm bảo chức năng thông hơi cho đường hầm. Địa đạo gồm 3 tầng có độ sâu và chức năng khách nhau. Tầng 1 cách mặt đất 8 - 10 mét dùng để cơ động chiến đấu và trú ẩn tạm thời; tầng 2 sâu 12 - 15 mét là nơi sống và sinh hoạt của dân làng, tầng 3 có độ sâu hơn 30 mét là nơi trung chuyển hàng hoá, vũ khí ra thuyền lên đảo Cồn Cỏ.

Để đảm bảo cho hàng trăm con người ăn, ở, sinh hoạt an toàn, tiện lợi, dọc hai bên đường hầm người ta khoét vào rất nhiều căn hộ, mỗi căn hộ đủ chỗ cho 3 - 4 người ở. Ngoài ra trong đường hầm còn có hội trường (sức chứa hơn 50 người dùng làm nơi hội họp, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim), 3 giếng nước, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm phẩu thuật, trạm gác, máy điện thoại … đặc biệt có nhà hộ sinh, nơi ra đời của 17 đứa trẻ suốt trong hai năm 1967 - 1978.

Việc tổ chức phòng tránh, bảo vệ địa đạo rất phứctạp, đòi hỏi tính tổ chức, tự giác cao, bởi lẽ không chỉ đạn bom trúc xuổng mà còn người nhái, gián điệp tìm cách xâm nhập. Trong gần 2000 ngày đêm tồn tại (từ 1965 - 1972) việc 17 đứa trẻ ra đời an toàn không một người nào bị thương đã nói lên sự lựa chọn đúng đắn, là sự tích kỳ diệu về mảnh đất và con người nơi đây. Hơn thế nữa, vượt qua hoàn cảnh, họ không chỉ tồn tại mà còn tổ chức hàng trăm chuyến thuyền nan tiếp vận cho đảo Cồn Cỏ. Đảo Cồn Cỏ đứng vững và được Nhà nước tuyên dương anh hùng hai lần trong đó có sự đóng góp xứng đáng của quân và dân làng hầm Vịnh Mốc.

Đây thực sự là một công trình trí tuệ và sự nỗ lực phi thường của quân và dân Vịnh Mốc và lực lượng vũ trang. Trong điều kiện khó khăn thiếu thốn và luôn bị địch rình rập, đánh phá, quân dân Vịnh Mốc - Vĩnh Thạch đã đồng lòng góp sức, tổ chức khoa học hợp lý hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ. Với hơn 18.000 ngày công, đào và vận chuyển ra khỏi lòng đất hơn 6.000m3 đất đá. Mỗi mét đường hầm thực sự là kết tinh tình cảm, trí tuệ, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân dân: Từ cụ già chế tác dụng cụ đến nồi nước chè xanh, bữa cơm đam bạc của các mẹ, các chị và sức lực cường tráng của các chàng trai. Làng hầm ra đời đã tạc vào lịch sử của quân dân Vĩnh Linh, Quảng Trị một nét son rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Những người dân làng chài nghèo khó hồn hậu đã đi vào cuộc chiến như những người nghĩa sĩ, khác chăng dưới sự lãnh đạo của Đảng họ ý thức được việc mình làm và biết rõ đường mình đi.

Chiến tranh đã lùi xa, còn đó một làng hầm huyền thoại ngày ngày truyền lại niềm tin, ý chí cho thế hệ hôm nay và mai sau về sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam. Từ đây, tất thảy bạn bè và những người từng là "kẻ thù" đều phải thừa nhận sự thần kỳ của một đất nước, một dân tộc mà sự tồn tại và chiến thắng của nó là tất yếu. Có rất nhiều dòng cảm xúc về làng hầm này, tất cả đều công nhận "Làng địa đạo Vịnh Mốc giống như một toà lâu đài cổ nằm im lìm trong lòng đất giấu kín biết bao điều kỳ lạ về những con người đã làm ra nó và thời đại nó đã sinh ra".

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Bộ Văn hoá - Thông tin đã quyết định công nhận địa đạo Vịnh Mốc là di tích quốc gia và đưa vào danh mục di tích đặc biệt quan trọng. Cũng từ đó, di tích này luôn được Đảng, Chính phủ và các ngành chức năng hết sức quan tâm đầu tư tôn tạo để gìn giữ di sản quý báu này. Hiện nay, địa đạo Vịnh Mốc là điểm thu hút mọi du khách đông nhất trong tuyến du lịch nổi tiếng và độc đáo: DMZ ./.

 


Khu di tích danh thắng Dakrong

Khu di tích - danh thắng Đakrông là tên gọi chung để chỉ cụm di tích - danh thắng nằm ngay hai bên quốc lộ 9 ở Km50, tại điểm khởi đầu của quốc lộ 14A, thuộc địa phận xã Đakrông - huyện Đakrông. Thành phần cấu thành khu di tích - danh thắng gồm có:

  1. Sông ĐaKrông

  2. Cầu treo ĐaKrông

  3. Dãy núi Ta Lung, núi Klu

  4. Suối nước nống Klu nơi có di chỉ khảo cổ

  5. Bản dân tộc Vân Kiều, bản Xa Lăng và bản Klu

  6. Điểm khởi đầu 14A - đường Trường Sơn, quốc lộ 9 đoạn Km50

Mỗi thành phần đều có một vẻ đẹp riêng, và bố trí rất hài hoà, hội tụ gần nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, trữ tình lại có giá trị lịch sử, văn hoá, khảo cổ, sinh thái …

1. Sông Đakrông.

Sông Đakrông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, gần biên giới Việt - Lào hợp với sông Rào Quán, chảy dọc theo đường 9, xuôi về Ba Lòng rồi đổ ra Cửa Việt theo sông Thạch Hãn. Vì vậy sông Đakrông còn được gọi là thượng lưu sông Thạch Hãn.

Sông Đakrông có truyền thuyết về nguồn gốc đượm chất sử thi và nhân văn.Du khách vừa chiêm ngưỡng cảnh núi non hùng vĩ, vừa được lắng nghe câu chuyện về cô gái Đakrông. Đoạn tại cầu treo được xem là đoạn sông đẹp nhất. Tuy không rộng nhưng đoạn này sông uốn lượn quanh co, men theo chân những dãy núi cao dựng đứng hai bên. Có nơi nước sông phẳng lặng, lững lờ trôi, lại có nơi nước cuộn ào ào như thác, vượt qua những dãy đá nhấp nhô giữa sông.

Những năm 1959 - 1964, đoạn sông này là điểm vượt bí mật của tuyến đường dây 559 - tuyến đường mòn Trường Sơn - Hồ Chí Minh đầu tiên. Ba điểm đầu Khe Xom, cầu Cu Tiền và Xom Rò (cách trung tâm khu danh thắng 3 - 7km về phía Đông) đã được đưa vào danh mục những di tích quốc gia năm 1986.

2. Cầu treo Đakrông.

Cầu treo Đakrông được xem là điểm trung tâm của khu di tích - danh thắng. Giai đoạn năm 1972 - 1975, bắc qua sông Đakrông tại địa điểm này là một chiếc cầu sắt và trở thành tuyến vận tải quan trọng cho chiến trường miền Nam. Sau ngày Tổ quốc thống nhất, được sự giúp đỡ của nước bạn Cu Ba một chiếc cầu treo duyên dáng dài 100m, rộng 6m thay thế cho cầu sắt. Năm 1999, do thời gian bảo quản quá hạn, cầu đã sập. Một lần nữa được sự quan tâm của Trung ương và nước bạn Cu Ba, cầu treo Đakrông đã được xây dựng lại khá qui mô tráng lệ.

Cầu treo Đakrông không chỉ là ,điểm đầu của tuyến giao thông chiến lược quan trọng mà còn tạo cảnh đẹp cho khu di tích - danh thắng bởi được đặt vào giữa một khung cảnh núi rừng trùng điệp, như là nét chấm phá nổi bật của bức tranh toàn bích.

3. Dãy núi Ta Lung, núi Klu.

Những dãy núi Ta Lung, Klu … đứng sừng sững hai bên sông Đakrông, hai bên đường 9, đường 14, tạo nên một quần thể núi non ẩn hiện với mây, in hình xuống dòng sông. Núi ở đây vừa có những vách đá dựng đứng cao chót vót vừa là một trong những nơi rất hiếm ở miền Trung còn bảo quản được thảm rừng già. Cây rừng đủ chủng loại, loại cây có đường kính 0,5 - 0,7m chiếm số lượng lớn. Khách đến không chỉ để du lịch sinh thái, đắm chìm trong cõi rừng già mà còn tham quan những con đường mòn huyền thoại do cha ông đã tạo nên để vào Nam đánh quân xâm lược Mỹ.

4. Suối nước nóng Klu (nơi có di chỉ khảo cổ).

 

Cách cầu treo Đakrông về phía Đông Bắc không xa là nơi khởi nguồn của dòng suối Klu. Theo các nhà nghiên cứu, mỏ nước khoáng này có hàm lượng bi cacbônat và Canxi từ 300 - 400mg/lít, các chất này có tác dụng giúp tiêu hoá tốt, chống ợ chua. Đặc biệt có chất Mêtasilich với hàm lượng trên 50mg/lít, tác dụng tăng khả năng chống viêm nhiễm.

Đây cũng chính là di chỉ khảo cổ quan trọng. Theo giáo sư Trần Quốc Vượng, người đã từng đến đây nghiên cứu thì di chỉ này thuộc thời đại đồ đá cũ. Trong hội nghị Khoa học quốc tế về khảo cổ tại Chiềng Mai (Thái Lan), giáo sư đã báo cáo và được đánh dấu trên bản đồ khảo cổ học thế giới.

5. Bản dân tộc Vân Kiều (bản Xa Lăng và bản Klu),

Khu di tích - danh thắng Đakrông còn là điểm du lịch phong phú loại hình bởi du khách sẽ được tiếp xúc, thăm viếng dân tộc Vân Kiều, Pa Cô - những dân tộc kiên cường trong đấu tranh chống ngoại xâm. Hiện có hai bản dân tộc: Xa Lăng và Klu cư trú tại khu vực này (cách cầu treo không quá 1km). Du khách được làm quen với dân tộc Pa Cô, Vân Kiều thông qua cuộc sống đời thường và những sinh hoạt văn hoá cộng đồng của họ

6. Điểm khởi đầu 14A - đường Trường Sơn, quốc lộ 9 đoạn Km50

Điểm đầu của quốc lộ 14A nằm ngay trung tâm khu di tích - danh thắng, cùng với đường 9, các đường mòn qua các dãy núi là những tuyến vận tải quan trọng của ta trong chiến tranh. Ngày nay quốc lộ 14A nằm trong lộ trình đường Hồ Chí Minh hiện đại. Nơi đây sẽ là giao điểm của đường Hồ Chí Minh và đường xuyên á Đông - Tây. Vì vậy khu di tích danh thắng còn có lợi thế về giao thông và tiếp thị du lịch, nơi hội tụ của du khách từ bốn chiều Bắc, Nam, Đông, Tây theo các con đường hiện đại.

Đến với Quảng Trị, bên cạnh việc tham quan những di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến mang tầm vóc quốc gia, du khách còn được tận mắt thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên trữ tình, mang dấu ấn lịch sử, văn hoá sâu sắc của Đakrông. Sự phong phú về đối tượng tham quan trên mảnh đất lửa Quảng Trị chắc chắn sẽ thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước (hiện nay dù chưa đưa vào khai thác nhưng hàng ngày đã có trên 50 lượt khách đến tham quan./.

Khe Hó điểm xuất phát đầu tiên của đường mòn Hồ Chí Minh (đường dây 559)-

Hiệp định Giơnevơ (1954) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết. Các nước tham gia Hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, nhưng đế quốc Mỹ đã biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ âm mưu của kẻ thù và đã có sách lược đối phó kịp thời. Vào thời điểm những năm 1958 - 1959, cách mạng miền Nam đang gặp thử thách vô cùng nghiêm trọng, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm ra sức,đàn áp phong trào yêu nước của nhân dân ta.

Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (tháng 1 năm 1959) đã nêu rõ đường lối của cách mạng nước ta lúc này là "từ đấu tranh chính trị" tiến lên "đấu tranh vũ trang" đánh đổ chế độ Mỹ - Nguỵ ở miền Nam. Thực hiện chủ trương đó, Quân uỷ Trung ương đã tổ chức việc chi viện lực lượng, vật chất cho miền Nam trong đó việc thành lập tuyến vận tải quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ; chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc" (theo "Lịch sử Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh" - NXBQĐND - Hà Nội - 1999 - Tr.21).

Đó chính là tổ chức đầu tiên của bộ đội Trường Sơn và tuyến đường này với tên khai sinh là "Đường dây 559" - con đường đầu tiên của hệ thống đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh sau này.

Thượng tá Võ Bẩm được giao nhiệm vụ thành lập Tiểu đoàn vận tải đặc biệt này. Đó là Tiểu đoàn 301 gồm 440 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Chu Đăng Chữ làm Tiểu đoàn trưởng và ,đồng chí Nguyễn Danh làm chính uỷ Tiểu đoàn. Vừa mới hình thành, ban cán sự Đoàn 559 đã nhanh chóng liên hệ chặt chẽ với các đồng chí lãnh đạo các tỉnh giáp vùng phi quân sự là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và đặc khu Vĩnh Linh.

Cuối tháng 5 năm 1959, Tiểu đoàn 301 đã chọn vị trí tập kết đầu tiên tại Khe Hó. Đây là một vùng rừng núi thuộc phía tây Vĩnh Linh (nay thuộc xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh), nằm cách sông Bến Hải khoảng 12km về phía Bắc, cách thị trấn Hồ Xá 15km về phía Tây và chỉ cách trục đường 15B 3 km về phía Tây Bắc.

Lúc này tại Khe Hó đã có một số quân của Lữ đoàn phòng vệ giới tuyến và họ sát nhập với Tiểu đoàn 301 lo nhiệm vụ chung mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó.

Đầu tháng 6/1959, việc xác định các tuyến đường vượt sông Bến Hải và đường 9 đã xong. Khe Hó trở thành nơi tập kết đủ các loại hàng hoá để đưa vào Nam. Tại khu vực này dày đặc các kho hàng được nguỵ trang chu đáo. Lúc đầu là loại kho nổi, về sau là kho ngầm dưới lòng đất. ngày 28/7/1959, miền Nam đã đón nhận chuyến hàng quân sự đầu tiên của miền Bắc ruột thịt. Từ đó cho đến tháng 11/1960, khi yêu cầu phát triển đường Trường Sơn ngày một lớn, đã có hàng nghìn chuyến hàng tiếp vận vào Nam xuất phát từ Khe Hó bằng những phương tiện hết sức thô sơ: dùng các chiếc gùi mây đeo lên vai, băng. dèo lội suối, vượt rừng, vượt qua sự canh gác của địch để đến nơi giao hàng. Tháng 11/1960, điểm xuất phát được dời ra làng Ho (Quảng Trị), Khe Hó không còn giữ chức năng như trước, trở thành nơi đóng trụ sở của Mặt trận B5.Sau đó Tiểu khu Công an vũ trang Vĩnh Linh đã đóng quân tại đây...

Như vậy, cả về thời gian và không gian, Khe Hó được xem là điểm khởi đầu, Km0 của đường 559, là cái nôi của con đường huyền thoại mang tên Bác: đường Hồ Chí Minh. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã minh chứng hùng hồn vai trò to lớn của tuyến đường vận tải Trường Sơn - Hồ Chí Minh và Khe Hó, nơi khai sinh ra con đường đó là mốc son chói lọi, mở đầu cho cuộc trường chinh "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" của dân tộc ta./.


CĂN CỨ QUÂN SỰ DỐC MIẾU VÀ HÀNG RÀO ĐIỆN TỬ MACNAMARA

Căn cứ quân sự Dốc Miếu nằm ở phía đông Quốc lộ 1A thuộc địa phận thôn Gia Phong cách thị trấn Gio Linh 3 km về phía Bắc.

Dốc miếu là đồi đất đỏ bazan, nơi đây, từ năm 1947 thực dân Pháp đã đóng chốt quân sự để án ngữ quốc lộ 1A, được gọi là đồn Ba Dốc.

Sau năm 1954, đặc biệt từ khi đế quốc Mỹ đổ quân vào miền Nam, địch đã tập trung xây dựng Dốc Miếu thành một căn cứ quân sự lớn nhất vùng Gio Linh với tổng chi phí hơn 800 triệu USD.

Trong những năm 1967 – 1970, để đối phó với tình hình bất lợi cho chúng và nuôi hy vọng có thể ngăn chặn mọi sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, đế quốc Mỹ đã xây dựng phòng tuyến: hàng rào điện tử MacNamara (Mang tên bộ trưởng bộ quốc phòng Mỹ).

Trên phòng tuyến này, địch đã bố trí nhiều căn cứ quân sự mạnh từ bờ biển thuộc thôn 8 Gio Hải lên đến đồi 51, đồi 28, Bến Ngư, Dóc Sỏi, Dốc Miếu, Cồn Tiên cùng một loạt chốt phụ làm thành hành lang ngăn chặn từ Cồn Tiên kéo qua căn cứ Bái Sơn, Đông Tròn, nối với Tân Lâm, Đầu Mầu và phòng tuyến bảo vệ đường 9 lên biên giới Việt Lào.

Tuy nhiên, do điều kiện chiến trường lúc đó mà Mỹ chỉ xây dựng hàng rào quy mô lớn từ bờ biển lên căn cứ 31 với chiều dài trên 3 km để bảo vệ cảng Cửa Việt.

Hàng rào điện tử Macnamara gồm 12 lớp kẽm gai chồng nhau cao 3m, trên mặt hàng rào cài mìn tự động, phía dưới hàng rào là bãi mìn dày đặc rộng hàng trăm mét. Ngoài ra, địch còn rải hệ thống (cây nhiệt đới) là loại phương tiện thông tin nhạy bén nhằm phát hiện mọi vi phạm trong phạm vi phòng tuyến. Ở các cứ điểm có hệ thống đèn pha cực mạnh để kiểm soát chống mọi sự xâm nhập vào ban đêm. Cùng với hệ thống (mắt thần điện tử) là đội ngũ binh lính (hồn ma biên giới) - bọn biệt kích được huấn luyện công phu, thiện nghệ, thường xuyên len lỏi vào hành lang của ta để chống phá mọi hoạt động của du kích.

Dốc Miếu được coi là cứ điểm quan trọng nhất của phòng tuyến MacNamara. Ở đây địch xây dựng những hệ thống hầm nhà ván, hệ thống lô cốt di động bằng bê tông, có trận địa pháo mặt đất thường bắn phá ra bờ Bắc sông Bến Hải, có trận địa phòng không 37, trung tâm điều khiển bảo vệ hàng rào, chi đội thiết giáp tuần tra cùng nhiều đại đội hỗn hợp Mỹ ngụy. Xung quanh căn cứ, ngoài các hàng rào kẽm gai ken dày bom mìn là hệ thống máy móc báo động chống xâm nhập.

Tuy là một căn cứ hiện đại nhưng hàng rào điện tử này đã bị dần dần vô hiệu hóa bởi những hoạt động của ta. Trước hết, đó là sự tấn công phá hủy từng đoạn để đưa lực lượng và vũ khí vào chiến trường. Ở Trung Sơn, Trung Hải, du kích ta ngày đêm khống chế không cho địch tự do hoạt động bằng cách vây ép bắn tỉa…

Trong những ngày đầu quân ta nổ súng trên chiến trường Quảng Trị năm 1972, du kích Trung Giang, Trung Hải, Trung Sơn đã vây chặt và bắn hàng trăm quả đạn DKB, A2 và bom phóng vào căn cứ trong suốt 3 ngày, buộc địch phải tháo chạy vào đêm 31 tháng 3, kéo theo sự tan rã của căn cứ Quán Ngang.

Sau ngày giải phóng, căn cứ Dốc Miếu dần dần bị phá hoại bởi “cơn sốt” dò mìn và khai thác phế liệu chiến tranh, tình trạng xâm phạm di tích ở đây đã ở mức báo động.


KHU DANH THẮNG CỬA TÙNG

Đây là vùng bãi biển trải dài gần 1km nằm ở thôn An Đức, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Linh. Đây là một vịnh nhỏ ăn sâu vào chân dãi đất đồi bazan chạy sát biển gọi là Bãi Lay. Kề sát phía Nam bãi biển là cửa của dòng sông Hiền Lương (hay còn gọi là sông Minh Lương, sông Bến Hải).

Vùng bờ biển miền trung là nơi thường xảy ra những trận gió to, sóng lớn, bão tố thất thường, nhưng Cửa Tùng lại là nơi hiền hòa, kín gió, tàu thuyền đánh cá của ngư dân có thể neo đậu an toàn.

Ôm lấy bãi biển Cửa Tùng là dải đồi đất đỏ bazan với những dải đá kéo dài ăn sâu ra biển cùng với bãi cát mịn màng. Trên đồi là khu dân cư trù mật với những vườn cây như mít, chè, dứa, chuối, chôm chôm, mãng cầu…

Biển Cửa Tùng có các loại hải sản nổi tiếng như mực, ruốc (khuyết), tôm hùm, cá thu…

Cửa Tùng xưa là nơi neo đậu của thuyền bè cư dân đánh cá. Dưới thời Pháp thuộc, thấy khí hậu ở đây mát mẻ hiền hòa, người Pháp đã sử dụng Cửa Tùng làm nơi nghỉ ngơi, tắm biển, giải trí. Lúc đầu, Pháp lập một đồn lính, xung quanh đào hào ắp lũy và dựng trại cho lính ở. Quân Pháp ở đây được hai năm rồi rút dần, chỉ để lại nền đồn cao nhường chỗ cho một nhà nghỉ mát.

Khâm sứ Trung Kỳ Brière là người thích phong cảnh Cửa Tùng, khi đi hành hạt ở đây, ông đã cho xây dựng một nhà nghỉ mát của tòa khâm năm 1896.

Năm 1907, vua Duy Tân lên ngôi. Vốn là một người không chịu tù túng trong cung cấm dưới sự khống chế của thực dân Pháp, ông thích đi nhiều nơi, trong đó có đến Cửa Tùng. Người Pháp đã nhường nhà nghỉ mát của tòa khâm cho nhà vua ngự. Từ đó nhà nghỉ mát này có tên là (nhà Thừa Lương Cửa Tùng). Bên cạnh nhà này còn có thêm nhà của một viên quan phụ đạo người Pháp.

Sau khi vua Duy Tân bị lưu đầy biệt xứ vào cuối năm 1916, nhà Thừa Lương chuyển giao cho tòa công sứ Quảng Trị sử dụng.

Bên cạnh nhà nghỉ mát này, các tu sĩ thiên chúa giáo Huế (trường Pellerin) cũng đã từng xây dựng nhà nghỉ ở Cửa Tùng, và sau đó đường sá xa xôi mà chuyển vào Lăng Cô.

Do vị trí, phong cảnh hấp dẫn, hữu tình, thu hút lớn đối với khách nghỉ ngơi, tắm biển, Pháp đã cho lập bưu điện và sở thương chánh ở Cửa Tùng. Cho đến đầu năm 1942, hai sở này vẫn còn hoạt động.

Các vua nhà Nguyễn rất thích phong cảnh Cửa Tùng, ngoài vua Duy Tân, vua Bảo Đại cũng đã nhiều lần từ Huế ra thăm và nghỉ ngơi nơi bãi biển mát mẻ này.

Dưới con mắt của người nước ngoài, Cửa Tùng là (Nữ hoàng của các bãi biển) (Lareine des plages) Chính quyền người Pháp đã phát hiện ra vẻ đẹp kỳ thú nên thơ của Cửa Tùng. A.Laborde - một người Pháp rất am tường về Đông Dương và Quảng Trị đã mô tả: Cửa Tùng có một sắc thái rất đặc biệt bởi một cao nguyên rất xanh tươi ở độ cao 20m… Từ trên đồi con dốc người ta chiêm ngưỡng những màu xanh luôn biến đổi của biển và trời… Cửa Tùng có đủ các yếu tố để hàng năm du khách có thể đến đây nghỉ mát.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của nhân dân ta, Cửa Tùng là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của địch bởi đây vừa là vùng giới tuyến, vừa là cầu tiếp vận cho bộ đội ở Cồn Cỏ. Bom đạn của địch đã tàn phá mọi công trình đã có từ trước trên bờ biển Cửa Tùng.

Ngày xưa Cửa Tùng là bảo vật của thiên nhiên ban tặng, hiện nay qua dặm dài lịch sử đất nước Cửa Tùng là một điểm nhấn trong một không gian văn hóa du lịch nổi tiếng. Sông Bến Hải - cầu Hiền Lương; làng Địa đạo Vịnh Mốc; bãi Cửa Tùng; Rừng nguyên sinh Rú Lịnh